MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạn làm việc ngày đêm vì ước mơ "bốn bánh" còn doanh nhân này tiết lộ, bí quyết thành công là nhờ "không nhà, không ô tô"

12-04-2017 - 09:32 AM | Sống

Neil Patel là doanh nhân trẻ gốc Ấn Độ, nằm trong top 100 doanh nhân kiệt xuất dưới 35 tuổi của Mỹ và sở hữu 2 doanh nghiệp “ăn nên làm ra”. Giàu có và thành công là vậy nhưng vị tỷ phú trẻ tuổi này lại sống giản dị đến mức không mua nhà, không mua ô tô.

Dưới đây là câu chuyện mà Neil đã chia sẻ trên Entrepreneur!

Tôi có một anh bạn tên là Mike. Mike sở hữu một chiếc Lamboghini đời mới, còn tôi không có nổi một chiếc Ferrari. Thực tế là tôi không sở hữu ô tô.

Tôi thường xuyên đi công tác và mỗi lần về tôi sẽ xuống sân bay San Diego, sau đó Mike đến đón tôi. Chiếc xe của Mike khiến mọi cô gái tự nguyện chạy theo để lại số điện thoại. Nhưng với tôi, chiếc xe ấy chả thoải mái chút nào bởi nó không có chỗ cho hành lý của tôi. Tôi phải ôm khư khư đống hành lý trên suốt đường về, thậm chí không nhìn ra được ngoài cửa sổ.

Đó là lý do tôi thích Mike đến đón tôi bằng chiếc Mazda cũ của cậu ấy hơn. Tôi không có ý chê bai những chiếc xe đắt tiền. Tôi biết nhiều người thành công sở hữu những chiếc xe rất đẹp. Nhưng riêng với bản thân tôi thì ngược lại, một chiếc xe đẹp sẽ khó giúp tôi có thể trở thành một doanh nhân thành đạt. Vì thế, tôi quyết định không mua ô tô.

Ô tô thường được coi trọng quá mức

Khi bạn lái một chiếc xe sang Ferrari hay McLaren ra đường, tất cả mọi người đều sẽ trầm trồ về nó. Chiếc xe nói lên quyền lực, địa vị và sự hào nhoáng của bạn. Bạn cho mọi người thấy rằng mình là người có nhiều tiền để sở hữu một chiếc xe sang trọng như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đó chỉ là cảm giác hào nhoáng nhất thời.

Tôi từng lái một chiếc Ferrari, thậm chí kiếm được tiền nhờ quảng cáo cho hãng xe. Nhưng đó không phải là niềm đam mê hay mục tiêu thực sự của cuộc đời tôi.

Tôi biết có nhiều người mê xe, thích sưu tầm xe nhưng đa phần là muốn trải nghiệm cảm giác được là tâm điểm của sự chú ý. Đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra cảm giác của sự tôn sùng hào nhoáng nhanh chóng tiêu tan và họ bị bế tắc trong một thứ tài sản mất cả đống tiền mà chẳng đi mấy.

Xe cộ thực chất chỉ là một phương tiện di chuyển mà thôi.

Tôi chọn cách loại bỏ sự xao nhãng trong cuộc sống

Tôi thiết kế cho cuộc sống của mình đơn giản nhất có thể. Tôi không có nhà, cũng không có xe ô tô riêng, không có những khoản chi phí định kỳ hàng tháng. Mỗi ngày, tôi mặc cùng một kiểu quần áo, ăn những thứ giống nhau. Cuộc sống của tôi cực kỳ đơn giản. Đó chính là cách tôi thiết lập cuộc sống của mình.

Với tôi, việc sở hữu các vật dụng cá nhân càng nhiều càng khiến bạn dễ bị phân tâm. Bạn sẽ không thể dành toàn bộ thời gian tập trung vào việc kinh doanh hay phát triển các mối quan hệ mới.

Bên cạnh đó, sở hữu một chiếc xe riêng có quá nhiều thứ phiền hà phát sinh như chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và bảo quản xe. Tôi cũng không thể làm việc trên đường di chuyển vì phải lái xe và quan sát đường xá, tốc độ. Ngoài ra, tôi thực sự không cần có xe riêng vì đã có taxi và các loại phương tiện công cộng khác.

Tôi đã thử tính toán. Mỗi tuần tôi ngồi trên xe ô tô khoảng 8,2 giờ, tức 426 giờ mỗi năm. Một số người thậm chí còn dành thời gian ngồi trên xe nhiều hơn tôi, vì họ lái xe đi làm. Tôi không cần lái xe đi làm nhưng tôi phải đi họp.

Nếu trung bình một người dành 40 giờ để làm việc thì tôi làm nhiều hơn đối thủ 10,5 tuần làm việc vì không phải lái xe. Bên cạnh đó, tôi có nhiều giờ làm việc hơn đối thủ bởi họ phải lái xe, còn tôi có thêm thời gian làm việc khi ngồi taxi.

Mua xe không phải là một khoản đầu tư lý tưởng

Tất nhiên, không phải mọi thứ bạn sắm sửa cho cuộc sống đều cần có ý nghĩa về mặt kinh doanh. Nhưng tôi cho rằng xe cộ nằm trong nhóm đó. Tôi từng phải mượn chiếc Toyota Camry 1989 của bố mẹ, sau đó nâng đời lên Honda Civic 1998.

Khi bắt đầu kiếm được tiền, tôi tự mua cho mình chiếc Nissa Versa. Tôi cần phương tiện để đi làm và chiếc Versa đáp ứng được nhu cầu đó.

Nhưng tôi sớm nhận ra rằng chiếc xe khiến tôi phải để tâm quá nhiều. Tôi phải đổ xăng, thay dầu, tìm nơi đỗ và tức điên lên vì kẹt xe mỗi ngày. Thật lãng phí thời gian! Vì thế, tôi quyết định tặng lại chiếc xe cho một người bạn với điều kiện duy nhất là phải cho tôi đi nhờ khi cần thiết.

Với tôi thoả thuận này mang ý nghĩa về mặt kinh doanh rất lớn. Mua xe, tặng cho người khác, không phải lo lắng vì nó nữa và được đi lại miễn phí.

Mike, người bạn sở hữu những chiếc Lamborghini là một người rất mê xe. Mike cho thuê chiếc Lamborghini, Range Rover và anh thu được nhiều tiền hơn khoản đã chi cho chúng. Anh ấy kiếm được tiền nhờ siêu xe. Như vậy với Mike, việc sở hữu ô tô cũng mang ý nghĩa kinh doanh.

Tôi có một người bạn khác tên Tim Sykes cũng rất mê siêu xe. Tuy nhiên, khi mua xe, anh không quan tâm đến tốc độ mà chỉ quan tâm đến giá trị kinh doanh của chúng. Anh viết blog về xe hơi và đăng ảnh của chúng lên mạng xã hội, kiếm được cả triệu đô (cộng với danh tiếng là một triệu phú giúp anh ta quảng cáo về sản phẩm tốt hơn). Chiến lược của Tim cũng mang ý nghĩa kinh doanh.

Và với tôi, việc không sở hữu ô tô cũng là một chiến lược kinh doanh. Nếu tôi cần đi đâu, tôi sẽ gọi taxi. Khoảng 20 phút ngồi trên taxi cũng giúp tôi xử lý 30 email và thực hiện 5 cuộc gọi. Tất cả đều sẽ sinh ra tiền.

Tôi cũng có một người bạn tên Barry là doanh nhân rất giỏi. Barry cho tôi những lời khuyên rất quý giá. Barry từng nói: “Khi cậu già đi, cậu sẽ nhận ra điều gì mới thực sự quan trọng. Đó là gia đình, các mối quan hệ chứ không phải cảm giác hào nhoáng nhất thời”.

Chiếc xe chỉ đơn giản là phương tiện đi lại, là thứ có thể khiến bạn đau đầu. Vì thế, hãy mua loại nào rẻ thôi. Thời trẻ tôi cũng từng đi Ferrari nhưng sau đó tôi chỉ lái Toyota Camry. Nếu được quay trở lại, tôi sẽ không mua Ferrari vì nó quá lãng phí.

Trịnh Thơm

Business Insider

Trở lên trên