Bán mạng cho Mỹ trong cuộc chiến chống IS, người Kurd đang bị ông Trump "phản bội" trên đất Syria
"Các người bỏ rơi chúng tôi" là những gì một chỉ huy cấp cao của lực lượng người Kurd gào lên với đối tác Mỹ khi biết Washington cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực.
- 08-10-2019Tổng thống Trump đe doạ: "Tôi sẽ xoá sổ hoàn toàn nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ!"
- 07-10-2019Người thổi còi là ai mà có thể khiến ông Trump khốn đốn trước nguy cơ bị luận tội?
- 07-10-2019Thất nghiệp thấp nhất 50 năm nhưng thị trường việc làm Mỹ có một mảng tối đe dọa chiến dịch tranh cử và vị thế của ông Trump trong chiến tranh thương mại
- 07-10-2019Trước thềm đàm phán thương mại, Trung Quốc bất ngờ đổi lập trường với thoả thuận vì "nắm thóp" Tổng thống Trump?
- 06-10-2019Áp lực bủa vây, ông Trump 'tố ngược' đảng Dân chủ can thiệp vào bầu cử 2016 và 2020
Quyết định thổi bùng sự giận dữ
Trước bình minh ngày 7/10, một vị tướng Mỹ đã truyền những thông tin tệ hại cho người đồng cấp Syria trong một căn cứ quân sự ở đông bắc nước này. Theo đó, Mỹ sẽ cho lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực. Đây chính là kẻ thù lớn của người Kurd, những đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến Syria.
Theo một quan chức Mỹ và những nguồn thạo tin, Mazlum Kobani, chỉ huy lực lượng người Kurd, đã gào lên trong giận dữ rằng: "Các người bỏ rơi chúng tôi". Người Kurd chính là lực lượng chiến đấu chính giúp Mỹ chống lại IS trên lãnh thổ Syria, cuộc chiến mà ông Trump đã tự hào tuyên bố là chiến thắng của Washington.
Việc ông Trump thông báo cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản một phần vùng đông bắc Syria đẩy người Kurd rơi vào một cuộc chiến mới. Thậm chí, nó còn làm thay đổi toàn bộ tiến trình của cuộc nội chiến kéo dài 8 năm trên đất nước Syria.
Người Kurd gọi đây là hành động phản bội.
Trong khi đó, việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quyền kiểm soát ở một phần khác của miền bắc Syria có thể gây ra những đối đầu giữa quân đội của nhà lãnh đạo Bashar al- Assad với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Syria đang được hậu thuẫn bởi Nga và Iran trong cuộc chiến chống lại IS và các lực lượng chống đối chính phủ.
Động thái này cũng khiến ảnh hưởng của Mỹ với khu vực bị hạn chế. "Mỹ vừa ném đi đòn bẩy cuối cùng mà họ có. Ngay cả khi Mỹ duy trì 1.000 quân ở Syria, tuyên bố của ông Trump tối muộn hôm 6/10 cho thấy Mỹ muốn rút tất cả các lực lượng của mình khỏi khu vực", Dareen Khalifa, nhà phân tích cấp cao về vấn đề Syria, nhận định.
Sau khi IS nổi lên và kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn ở Syria, Mỹ đã phải hợp tác với nhóm dân quân người Kurd để chiến đấu chống lại IS. Cái bắt tay này diễn ra năm 2015. Các nhóm khác cũng tham gia liên minh này và thành lập Lực lượng Dân chủ Syria (S.D.F.), kiểm soát những vùng lãnh thổ mà họ giải phóng khỏi tay IS. Về phần mình, Mỹ chỉ duy trì lực lượng khoảng 1.000 người ở quốc gia này.
Chiến thắng IS, Chính quyền Trump coi S.D.F. là phương tiện tốt nhất để cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Iran trong khu vực. Lực lượng này cũng đóng vai trò lớn trong việc ngăn chặn sự hồi sinh của IS cũng như là một phần trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria.
Tuy nhiên, nếu S.D.F. ở đông bắc đất nước suy yếu, điều này có thể giúp ông Assad, với sự ủng hộ của Nga và Iran, dễ dàng đòi lại các vùng ảnh hưởng. Một cuộc xung đột mới với Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến người Kurd phân tán lực lượng và cho phép tàn quân IS bùng lên ở chính những vùng đất đã được giải phóng.
Cục diện khó lường trên đất Syria
Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối S.D.F. hiện diện trên khu vực biên giới với nước này. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan coi những chiến binh người Kurd là thành phần cốt lõi cho P.K.K, phong trào du kích người Kurd đã có nhiều thập kỷ chiến đấu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan coi quyền lực trong tay người Kurd chính là mối đe dọa với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nhiều tháng, các nhà ngoại giao của Mỹ đã phải hoạt động cật lực để tránh Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua biên giới. Tuy nhiên, rõ ràng ông Erdogan không hài lòng. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Thổ vào ngày 6/10 đã khiến Nhà Trắng tuyên bố họ không hỗ trợ hay tham gia vào chiến dịch can thiệp vào Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành. Nó có nghĩa là Nhà Trắng cũng không ngăn cản chiến dịch này.
Nói về quyết định này, ông Trump nhấn mạnh mối quan hệ đối tác của Mỹ với người Kurd chủ yếu phục vụ mục đích của chính người Kurd. "Người Kurd đã chiến đấu rất tốt nhưng họ được trả một số tiền lớn cũng như trang thiết bị, vũ khí để làm việc đó", Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội.
Ông Trump cũng tuyên bố không quan tâm đến mối xung đột giữa người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ bởi nó không phải mối quan ngại của Mỹ. "Đã đến lúc để chúng ta thoát khỏi cuộc chiến vô tận kỳ cục ngày. Nhiều lực lượng trong số họ chỉ là những bộ tộc. Hãy đưa binh sĩ của chúng ta về nhà", ông Trump viết.
Tuy nhiên, quyết định này cũng gây ra sự ngạc nhiên cho nhiều quan chức quân đội và ngoại giao Mỹ, những người trực tiếp thực thi các chính sách về Syria. Nó cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngay chính những đồng minh cộng hòa của ông Trump ở Washington. Trước phản ứng này, ông Trump cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách đe dọa nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm gì vượt quá giới hạn, "tôi sẽ xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế của họ".
Về phần mình, S.D.F. đưa ra những phản ứng mạnh mẽ. Việc mất 10.000 tay súng trong các cuộc chiến đấu chống IS cùng với Mỹ để rồi bị phản bội là sự cay đắng khó có thể nuốt trọn. Một người phát ngôn lực lượng S.D.F. nói rằng quyết định của ông Trump chính là sự hủy hoại niềm tin vào sự hợp tác giữa đôi bên trong cuộc chiến chống IS.
Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra câu hỏi lớn về tương lai khu vực. S.D.F. cảnh báo sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến họ phải chuyển mục tiêu của mình khỏi IS, vốn vẫn là mối đe dọa ở miền nam đất nước, để tự vệ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc. Từ bỏ mục tiêu đánh bại IS sẽ khiến mọi thứ đổ bể và đặt các lợi ích của Mỹ dưới tầm tấn công.