MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán sợi dây chuyền vàng mua máy ảnh, cụ ông U80 bám trụ nghề, nuôi 6 con khôn lớn

20-08-2022 - 19:25 PM | Sống

Nghề trời phú không chỉ giúp ông Lê Quang Liêm nuôi 6 người con khôn lớn, trưởng thành mà còn là niềm vui thú tuổi già.

Khi những chiếc điện thoại thông minh dần chiếm ưu thế trong cuộc sống hiện đại, nhiều người lại dần quên lãng giá trị ý nghĩa in dấu trong những chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Số lượng thợ chụp ảnh dạo còn trụ lại với nghề ở Sài Gòn chỉ tính trên đầu ngón tay, hầu hết đều đã 60-70 tuổi. Mà ở đó, ông Lê Quang Liêm (77 tuổi) được coi là "lão tướng". Ở một góc bưu điện TP.HCM, dòng người đi lại tấp nập, một cụ ông râu dài, miệng móm mém, dáo dác tìm kiếm cho mình một vị khách. Ông Liêm đã gắn bó với chiếc máy chụp hình đã hơn 50 năm.

Bán vàng mua máy ảnh

Nở nụ cười móm mém với 4 chiếc răng còn lại, ông Liêm vẫn lạc quan khi tâm sự về nghề của mình. Nhân duyên đưa ông gắn chặt số phận với chiếc máy ảnh trong một lần đi xem phim tại rạp.

"Thời xưa còn đi học, tôi hay đi vào rạp Rex, coi phim Sóng tình, nam tài tử Alan Delon đóng vai phó nháy, mời Sophia Loren cũng đóng vai phó nháy, mang đôi bata. Cái cách mời điệu nghệ, cái dáng hay lắm, tôi ước mơ sau này được như vậy. Lúc đó vẫn phải đi học. Nghề nào mình cũng có học, có biết, học không phụ lòng thầy trên mặt lý thuyết. Nhưng khi mình va chạm thực tế thì tiếp thu cái khác rất nhanh", ông Liêm bộc bạch.

Bán sợi dây chuyền vàng mua máy ảnh, cụ ông U80 bám trụ nghề, nuôi 6 con khôn lớn - Ảnh 1.

Ông Liêm đam mê với nghề chụp ảnh kỹ thuật số từ những ngày trẻ

Mặc dù không đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào liên quan về chụp ảnh, song ông Liêm mày mò, tự học hỏi qua bạn bè, những bậc anh chị đi trước. Tốt nghiệp năm 25 tuổi, trong túi ông chỉ còn một sợi chuyền vàng làm vốn khởi nghiệp. Ông Liêm đem bán sợi dây, lấy tiền mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Đó được coi là khoảng thời gian "hoàng kim" trong cuộc đời người nhiếp ảnh già. Trước đây ông Liêm gốc gác sinh ra ở Thảo Cầm Viên. Đến năm 1995, khi nơi này được chuyển đổi dưới hình thức hợp tác xã, ông chuyển ra ngoài chạy show, nhận chụp khách đa dạng hơn. Bằng giọng kể tự hào, ông bảo, số tiền kiếm ra từ nghề chụp ảnh khi đó đủ cho ông mua một chiếc xe máy "xịn" thời đó.

"Trước giải phóng năm 1975, mình chỉ bỏ công sức, chụp xong gửi hình, trả tiền giấy cho khách coi. Làm thủ công cực lắm", ông Liêm nói.

Bán sợi dây chuyền vàng mua máy ảnh, cụ ông U80 bám trụ nghề, nuôi 6 con khôn lớn - Ảnh 2.

Dù tuổi cao nhưng ông cụ vẫn chưa có ý định bỏ nghề

Những vị khách của ông Liêm rải rác ở độ tuổi nào cũng có, từ họa sĩ, tiến sĩ, sinh viên, những vị khách du lịch. Những thăng trầm trong chuyện nghề của ông Liêm thì nhiều vô kể.

"Ở thành phố này, chỉ còn tôi là "lão tướng", hành nghề từ năm 1970 tới giờ. Lúc đó tôi 25 tuổi, cuộc sống chưa phát triển, chưa có nữ nhiếp ảnh gia. Sau này mới phát sinh ra thợ mẹ, thợ con, thợ cháu chắt... Thời hưng thịnh nhất là chụp phim Black and White, đã lắm. Hay thời dùng phim Polaroid, ngày xưa chụp thao tác như máy cơ vậy. Nhất là chụp lúc 9h, ánh sáng cong chụp lên từng chi tiết cọng tóc, cọng râu. Chụp lúc đó đẹp nhất...", ông Liêm ôn tồn.

Cha "truyền nghề" nhưng không ai nối

Vợ chồng ông Liêm sinh được 6 người con, bên nhau đồng cam cộng khổ từ thời tay trắng. Khi thời "hoàng kim" đi qua, ông Liêm định truyền nghề cho các con nhưng không ai muốn theo nghiệp bố.

"Ngộ ghê, tôi ra ngoài dạy đệ tử đứa này đứa kia thành tài, mà mấy anh chị con ở trong nhà, móc ruột gan dạy mà không được. Bởi tính tôi nóng, hay la, phải theo ý ông già... nên tụi nó không có đam mê. Mà nghề này giờ cũng mệt mỏi lắm".

Bán sợi dây chuyền vàng mua máy ảnh, cụ ông U80 bám trụ nghề, nuôi 6 con khôn lớn - Ảnh 3.

Chiếc máy ảnh vừa là hoài niệm, vừa là vật giúp ông nuôi 6 người con khôn lớn

Thế hệ "tre già măng mọc", ông Liêm chấp nhận bỏ lại phía sau khi công nghệ, lớp trẻ học hỏi, tiến bộ ngày một nhanh. Những đám cưới, đám hỏi, hiếu hỉ, ma chay... ông không dám nhận chụp. Người thợ ảnh già giờ chỉ lang thang những góc phố, con đường, nhận chụp dạo cho những nơi khách du lịch ghé qua.

Có những người không chụp ảnh, nhưng vẫn gửi ông Liêm tiền cafe, hút điếu thuốc... Ông gọi đó là những vị khách "tình người".

Bán sợi dây chuyền vàng mua máy ảnh, cụ ông U80 bám trụ nghề, nuôi 6 con khôn lớn - Ảnh 4.

Khi thời hoàng kim qua đi, nghề của ông Liêm dần bị mai một

"Những lúc buồn buồn, trống trải, hút điếu thuốc, nhìn lại những ngày tháng có vui có buồn. Nghề này bảo dư dả thì không có đâu. Nghề nào chân chính thì cũng bạc cả đầu vậy thôi.

Trước đây thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Còn thời hoàng kim thì không nhớ nổi. Tôi chụp Thảo Cầm Viên qua một mùa Tết là đã có 5 chỉ vàng, mua chiếc Honda 67", ông Liêm nói.

Dù là lớp người được coi "bị bỏ lại phía sau", song chưa bao giờ ông Liêm nguôi ngoai tình yêu, lòng nhiệt huyết với nghề. Thậm chí cả quãng thời gian Covid-19 bùng phát, thành phố ngưng mọi hoạt động khiến ông thất nghiệp, người thợ ảnh vẫn bồn chồn vì "nhớ nghề". Nghề trời phú đã giúp ông nuôi 6 con khôn lớn, trưởng thành, giờ lại giúp ông vui thú tuổi già. Bởi với ông, "nghề đã chọn mình thì mình vẫn phải sống với nghề mà thôi".

Nguồn: Nghệ sĩ du ký

Theo Thủy Tiên

Tổ Quốc

Trở lên trên