MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bắn tiền” trong không gian số và cuộc rượt đuổi của hoạch định chính sách

02-05-2019 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Để nắm bắt và bao được thực tiễn đang đầy ắp các ý tưởng, các chuyển động “bắn tiền” mới, chính sách cần tới một cuộc cách mạng thực sự.

Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về các nội dung phát triển kinh tế xã hội nói chung. Để ý, ít khi một ý tưởng từ thực tiễn được nêu cụ thể trong một chỉ thị có tầm bao quát chung như vậy: yêu cầu nghiên cứu cơ chế cho phép nộp tiền mặt vào ví điện tử.

Đèn nhà ai nấy rạng

Vài năm gần đây, ví điện tử bắt đầu phát triển và phổ cập hơn với người dùng Việt Nam.

Nếu thử hỏi một số người dùng ngẫu nhiên, phân biệt rõ giữa “ví điện tử”, “ngân hàng số” hay “mobile banking” có thể không dễ dàng. Điểm chung với họ, đó là những tiện ích, ngày càng gia tăng tiện ích.

Còn các ngân hàng sở hữu những sản phẩm này thì sao? Hiện có khoảng vài chục ví điện tử và các đề án phát triển trên thị trường, nhưng đang ở giai đoạn đèn nhà ai nấy rạng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, họ đã có khởi đầu chật vật để xây dựng và phát triển ví điện tử. Khó nhất không phải về công nghệ và sáng tạo, mà nằm ở tương tác, đấu nối với các kênh thanh toán, tra soát trong vận hành.

Đơn giản như giao dịch “bắn tiền” từ ví điện tử, ngân hàng phải từng bước làm việc với từng đối tác trong hệ thống, đàm phán và kết nối… Phải mất nhiều thời gian để khách hàng có thể “bắn” nhanh chóng, hai chiều liên thông với các tài khoản, từ các ngân hàng ngoài hệ thống. Thiếu những tiện ích và thông suốt này, ví điện tử dễ rơi vào… ngủ đông.

“Đây đang là một thách thức. Làm thế nào để có được một hệ thống kết nối xuyên suốt các ví điện tử của các ngân hàng với nhau, tương tác thuận lợi để phát huy giá trị của nó. Bản thân chúng tôi đang và sẽ phải làm việc với từng ngân hàng đối tác, vì quan trọng nhất là cơ chế tra soát đối ứng”, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Nhìn lại, hơn chục năm trước, Việt Nam cũng từng ở giai đoạn đèn nhà ai nấy rạng trong phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến và kết nối hệ thống ATM. Khi đó, thị trường “cát cứ” bằng các liên minh thẻ như Banknetvn, VNBC… Và phải mất nhiều năm tốc độ và tiện ích “bắn tiền” giữa các tài khoản, các dịch vụ mới dần hướng đến thuận lợi cho người dùng.

“Là ngân hàng, nhưng tôi ủng hộ”

Ý tưởng và nhu cầu thực tiễn “bắn tiền” đang ngày càng đa dạng, với hậu thuẫn lớn của không gian số.

Hạ tầng và tiện ích công nghệ hiện nay đang đặt ra một loạt câu hỏi, mà cả nhà làm chính sách lẫn nhà cung cấp dịch vụ phải suy nghĩ.

Đơn giản như, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm từ lâu, vậy tại sao Việt Nam vẫn chưa thể triển khai mạnh, mở rộng tiện ích “bắn tiền” cho các trạm thu phí đường bộ không dừng?

Hay, một hệ thống ngân hàng thương mại không ngừng đầu tư và phát triển công nghệ nhưng vẫn phổ biến là thẻ mang thương hiệu Visa, MasterCard… được dùng trong giao dịch nội địa, mà không phải là một hệ thống riêng mang thương hiệu Việt Nam?

Hay, như trên, khi nào thì các ví điện tử của các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể kết nối, tương tác thông suốt, toàn diện?

Hay, đến khi nào tất cả thẻ thanh toán của ngân hàng A phát hành dễ dàng và hoàn toàn “quẹt” được ở đầu mối chấp nhận thanh toán sử dụng dịch vụ ngân hàng B?

Hay, hoạt động cho vay ngang hàng đã bắt đầu mở rộng tại Việt Nam, có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động các ngân hàng thương mại, tạo dòng chảy tài chính mới trên thị trường thì chính sách sẽ ứng xử thế nào?

Và một ý tưởng mới đáng chú ý: các nhà mạng di động như Vinaphone, MobiFone, Viettel… có thể tham gia đáp ứng nhu cầu “bắn tiền” (MobiMoney) như các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ?

Trao đổi với BizLIVE, vị lãnh đạo ngân hàng trên nêu quan điểm: “Là ngân hàng, nhưng tôi ủng hộ MobiMoney, vì đó là tiện ích công nghệ, có những lợi thế và lợi ích rất thiết thực cho cả bên cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng”.

Theo phân tích của quan điểm trên, các nhà mạng di động hiện sở hữu hàng chục triệu thuê bao, trong đó các thuê bao trả trước là tiền thật, tiền trả trước và tiền sẵn có. Vậy thì, đó là tài sản hoàn toàn có thể chuyển hóa thành tiền khi cần, còn lại chỉ là các dịch vụ đối ứng.

“Ví dụ, thuê bao trả trước còn 50.000 đồng. Vào siêu thị, anh quên ví, nhưng cần mua gói cà phê 30.000 đồng. Với MobiMoney, tiền anh sẵn có trong thuê bao, vậy thì dùng nó thanh toán được. Còn lại chỉ là công nghệ kết nối và chuyển đổi thôi”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nêu tình huống.

Ngược lại, với thuê bao trả sau thì sao? Các nhà mạng lâu nay vẫn cấp hạn mức tín chấp. Vậy chủ thuê bao có thể sử dụng hạn mức đó trong MobiMoney hay không?

“Thực tiễn và sự phát triển của công nghệ, nhu cầu thực trên thị trường đa dạng và linh hoạt như vậy. Chúng ta hướng tới đáp ứng, tiện ích và hạn chế sử dụng tiền mặt. Vấn đề còn lại là chính sách có chấp nhận hay không, nếu có thì xây dựng thế nào, bao lâu?”, vị lãnh đạo ngân hàng trên đặt vấn đề.

“Bắn tiền” trong không gian số và cuộc rượt đuổi của hoạch định chính sách - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không? Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, nói số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ”.

“Một cuộc cách mạng về chính sách”

Những thực tiễn, những câu hỏi trên không mới. Tại một diễn đàn đầu tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã có bài phát biểu, nhấn mạnh những nội dung liên quan và ứng xử của chính sách.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ.

Và như trên, thực tiễn đang đặt ra rõ ràng, với những yêu cầu lẫn thách thức mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

“Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không? Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, nói số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ.

Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được, nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác”, Bộ trưởng nói tại diễn đàn trên.

Như trên, những chuyển động của người làm chính sách cũng đã có chủ động, như cơ chế nộp tiền vào ví điện tử đã được đưa vào tầm của một chỉ thị và đang được nghiên cứu triển khai; hay tuần qua Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối nghiên cứu cơ chế quản lý cho vay ngang hàng…

Và phía trước, cũng gần kề, theo tìm hiểu của BizLIVE, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nghiên cứu một đề án tổng thể, bao trùm về các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, dự kiến sẽ công bố cuối quý 2 hoặc đầu quý 3 tới.

Theo đó, bám sát thực tiễn nhu cầu “bắn tiền” và những chuyển động mới, phát sinh mới trong không gian số, việc hoạch định chính sách với những đề án lớn và cụ thể như vậy, hay những chỉ đạo vừa rồi của Thủ tướng Chính phủ, cũng đã thực sự được bắt đầu.

Theo Minh Đức

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên