Bạn trẻ mắc phải sai lầm, bế tắc muốn tự tử, chuyên gia gửi thông điệp: "Trả học phí" rồi đi tiếp hoặc lún sâu vào nó, lựa chọn là ở bạn!
Ai chẳng một lần mắc phải sai lầm nhưng cứ sai đi vì cuộc đời cho phép, quan trọng chúng ta nhìn nhận và học hỏi được gì sau những lần vấp ngã.
- 27-12-2021Có 1 sai lầm nghiêm trọng khi dùng màng bọc thực phẩm: Hầu hết gia đình nào cũng phạm phải, khiến món ăn dễ nhiễm độc và gây bệnh mãn tính
- 26-12-20219 sai lầm cực kỳ tai hại khi giặt khiến quần áo hư hỏng nặng, điều cuối cùng nhiều nhà hay mắc phải nhất
- 26-12-2021Ngay cả các triệu phú cũng đi sai hướng khi làm giàu: Đây là 3 cách để không mắc phải những sai lầm tương tự
Trong ca khúc "Vì tôi còn sống" của nhạc sĩ Tiên Tiên có một câu hát được lan truyền rất rộng rãi "Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép". Người trần mắt thịt, không phải thánh thần nên việc mắc phải sai lầm là điều vô cùng hiển nhiên. Ai trong cuộc đời rồi cũng sẽ đôi ba lần mắc sai lầm, và tất cả mọi người đều đáng có một cơ hội để được tha thứ.
Điều đáng nói đến ở đây nằm ở việc, sau những sai lầm ấy, chúng ta học được điều gì và trưởng thành ra sao? Việc trốn tránh, dằn vặt, đau đáu với sai lầm của bản thân thay vì đối mặt với nó chưa bao giờ là cách hay trong việc sửa chữa lỗi lầm.
Chia sẻ về câu chuyện lỗi lầm trong công việc và cuộc sống, vừa mới đây, trên trang blog cá nhân của mình, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đã có đôi dòng kể về một trường hợp thực tế cũng như quan điểm của bản thân về vấn đề này:
Mình nhận chiếc email dài hoảng loạn của một bạn trẻ đã đi làm, vì phạm phải một sai lầm tình cảm tại công sở, cảm thấy bế tắc, không lối thoát, nghĩ đến cả chuyện tự tử. Thật ra, chuyện không phải là quá nghiêm trọng đến như thế. Làm người ai chẳng đôi ba lần phạm lỗi trong đời, và từ nay đến hết đời ai dám nói mình là thánh và sẽ không bao giờ phạm lỗi? Và sai lầm nó cũng không tránh ai, không phân biệt giàu nghèo làm thuê hay làm chủ, gia đình đề huề ra sao, vị thế xã hội danh giá kiểu nào.
To err is human - Đã làm người thì đương nhiên có phạm lỗi thôi, dù là trong gia đình, ngoài xã hội, trong sự nghiệp hay cuộc sống. Tôi cũng vậy. Bạn cũng vậy. Chẳng ai thoát khỏi đâu. Có chăng là kẻ thì tỏ ra đạo đức bên ngoài nhưng giấu một bồ đen tối ở bên trong. Người thì ngơ ngác hơn nên vô ý phơi ra cho người đời ném đá. Còn số ít thì nhận ra, có lỗi thôi thì nhận lỗi, kể nó như câu chuyện quá khứ, kết nó như bài học, rồi move on - tiếp tục hành trình sống và dạy bản thân thuộc bài để không uống nước hai lần tại một dòng sông.
Diễn giả, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân.
Hiểu vậy, để biết phạm sai lầm là chuyện của nhân gian, đừng vì thế mà đến nước đòi sống chết. Nhưng nói vậy không phải là cổ vũ cho chuyện chủ động và cố tình phạm lỗi, rồi đổ thừa tại mình làm người. Còn nếu đã phạm lỗi rồi thì ráng giải quyết chuyện lỗi lầm của mình một cách có EI (trí tuệ cảm xúc), bình tĩnh, khách quan và hiệu quả. Đây là 3 chia sẻ mình dành cho bạn, và đã giúp bạn bình tĩnh lại, nay viết lại cho những ai đang có hoàn cảnh tương tự để phản tư.
Có lỗi phải biết nhận lỗi với bản thân
Có lỗi là có lỗi. Chấm hết. Đừng có biện minh uốn éo vì người này vì hoàn cảnh nọ vì tình huống kia. Dù cố ý hay vô tình, dù chủ động hay bị động, trong khoảnh khắc mong manh ta đưa ra quyết định phạm lỗi, ta phạm lỗi. Điều đầu tiên hết một con người chính trực nên làm là nhận lỗi, và quan trọng hơn là nhận lỗi với chính bản thân mình. Đừng tìm cách tháo chạy. Đừng tìm cách đổ thừa. Đừng cố níu kéo chút đạo đức giả để che dấu cho sai lầm thật.
Khi bản thân chấp nhận bản thân có lỗi thì tâm thế mới đủ đầy để sửa chữa, học tập và lớn lên từ chính lỗi lầm. Trải nghiệm phạm lỗi có thể giúp cho người ta lớn lên, khôn ra, nhưng cũng có thể kéo người ta vào vũng lầy cảm xúc của sợ hãi, thất vọng, hoang mang, trầm cảm. Lựa chọn thật ra là ở bạn. Bạn có thể nhận lỗi, trả học phí rồi đứng dậy đi tiếp, hoặc vì mày mặt, né tránh mà đẩy bản thân vào đầm lầy loay hoay, càng lún càng sâu.
Tha thứ nhưng không quên bài học
Nhận lỗi rồi thì mình tha thứ cho bản thân thôi. Quan trọng nhất là mình dám chân thật và đối diện với cái sự sai quá sai của bản thân mình. Đời này có biết bao nhiêu lần sẽ té xuống đứng lên như thế. Không tha thứ cho bản thân thì không lẽ nằm vạ ở đó luôn cho người đời cứ thế đạp lên? Nỗi sợ hãi khui lon sâu bọ trong hộp ra, nó sẽ là thứ ám ảnh con người suốt cả cuộc đời, dù chuyện cũ có trôi qua lâu cách mấy. Tha thứ là cách để cho bản thân được sống tiếp một cách nhẹ nhàng, bình thản, hiểu chuyện hơn.
Thế thôi! Đừng ngồi đó chờ người ta tha thứ cho mình. Người đời muốn gì làm gì không ai kiểm soát được, nhưng lựa chọn và quyết định của bản thân thì chắc chắn mình lo liệu được. Vì vậy, tha thứ cho bản thân là quan trọng. Nhưng tha thứ xong cũng đừng có vội quên. Mỗi một sai lầm là một lần đời kêu lại gõ đầu dạy cho bài học. Phải cúi đầu chân thành mà học. Học xong thì phải nhớ mà ứng dụng để không phạm sai lầm tương tự lần sau. Tha thứ nhưng không được quên bài học!
Đánh giá vấn đề và bình tĩnh giải quyết
Còn lại của chuyện sai lầm là cái tác hại của nó đến cuộc sống hiện tại của mình. Khi bạn hoảng hốt, sợ hãi thì có vẻ như cái tác hại đó nó bị phóng đại vài trăm lần, khiến cho người ta nghĩ quẩn. Não người ghê lắm. Khi nhận tín hiệu nguy hiểm, nó bèn thêu dệt chuyện nọ xọ chuyện kia, vẽ vời thành những kịch bản phim drama kiểu bom tấn. Mình tự hù mình rồi mình tự diễn tự kết án bản thân luôn.
Rồi lỡ mà nó dò trong cái nhà kho dữ liệu quá khứ thấy những vệt dữ liệu tương tự thì nó càng sướng nữa. Nó bao hết toàn bộ những sự chỉ trích, phán xét, kết tội, tất cả những nỗi đau đớn, dày vò, sợ hãi từ xưa đến giờ ra đánh hội đồng bản thân cùng một lúc. Sai lầm lần này tự nhiên trở thành cái cớ để nó lôi hết chuyện cũ vụ mới ra đập một cú cho chí mạng. Và ta gục ngã….
Giờ thì bạn hiểu là học và rèn luyện EI nó lợi hại kiểu gì. Nó có thể là vũ khí cứu mạng mình khi đụng chuyện. Có EI, mình sẽ nhìn mọi sự việc một cách khách quan hơn, phân tích vấn đề trước sau hơn, hiểu rõ mức độ thực tế và nguyên nhân gốc rễ chứ không chỉ sờ soạng trên bề mặt. Vì vậy, bạn sẽ hiểu đúng về vấn đề và mức độ tai hại của nó, sẽ biết đặt câu hỏi cho bản thân xem tác hại của ghê gớm nhất có thể là gì và giải quyết làm sao cho hợp tình hợp lý. Vậy thôi. Làm gì dữ vậy? Ai cũng mắc sai lầm và ai rồi cũng phải lớn lên.
Ngay sau đăng tải, bài viết của Nguyễn Phi Vân nhanh chóng nhận được đông đảo ý kiến, bình luận đồng thuận từ phía người dùng mạng. Không ai trong cuộc đời này có thể trưởng thành mà chưa một lần mắc những sai lầm. Chúng ta cần phải biết chấp nhận những sai lầm đó và đối mặt với nó một cách nhẹ nhàng nhất. Chúng ta hãy nhìn vào những sai lầm đó để có thể nỗ lực và cố gắng hơn để làm tốt những việc phía trước, và quan trọng nhất là đừng bao giờ lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Pháp luật và bạn đọc