MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán vàng trực tuyến: Có 'hạ nhiệt' được thị trường vàng?

24-06-2024 - 08:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện tại, 5 đơn vị bán vàng bình ổn thị trường cùng chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không mua được vàng dẫn đến tạo tâm lý khan hiếm vàng trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên mở rộng hình thức bán vàng để hạn chế đầu cơ đồng thời về lâu dài phải sửa Nghị định 24 cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung.

Bán vàng trực tuyến: Có 'hạ nhiệt' được thị trường vàng?- Ảnh 1.

Cửa hàng vàng của Cty SJC dán thông báo hình thức bán vàng trực tuyến thay vì người dân xếp hàng mua vàng như trước. Ảnh: Ngọc Mai.

Người dân vẫn khó mua vàng trực tuyến

4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đều chuyển sang bán vàng bằng hình thức trực tuyến từ 1 tuần nay. Tuy nhiên, người dân phản ánh vẫn khó mua được vàng vào thời điểm này trong khi các doanh nghiệp vàng lớn trên thị trường đều không bán cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn.

Khoảng 1 tuần nay, ngày nào chị Bích Phương (Đống Đa, Hà Nội) cũng trực đăng ký mua vàng trực tuyến, nhưng chưa lần nào thành công. Mặc dù các đơn vị thông báo nhận đăng ký từ 9h sáng nhưng chỉ vừa mở hệ thống, chị Phương đã nhận thông báo ngân hàng đã nhận đủ lượng đăng ký mua vàng trong ngày.

“Lúc bán vàng trực tiếp tôi cũng đi xếp hàng 5 ngày liên tục nhưng không mua được. Giờ bán vàng trực tuyến tưởng dễ mua hơn nhưng không lần nào đăng ký được”, chị Phương nói.

Đại diện ngân hàng Agribank cho biết, hằng ngày ngân hàng chỉ phục vụ được một lượng khách nhất định. Do đó, nhiều người có thể chưa đặt lệnh thành công khi ngân hàng đã phát hết số trong ngày. Hệ thống ngân hàng cũng ưu tiên phát số cho các căn cước công dân chưa từng mua vàng tại nhà băng. Ngoài việc chuyển sang hình thức online, các nhà băng hiện cũng giới hạn lượt đăng ký mua vàng miếng là 1 lượng mỗi người, so với việc không có hạn mức trong những ngày đầu mở bán.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, thời gian tới, ngân hàng tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tiếp tục tối ưu quy trình cung ứng vàng, bán vàng cho người dân. Trong đó, sẽ tiếp tục đưa việc bán vàng trên app, thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng đảm bảo minh bạch và tiện lợi.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, trước hết, có thể thấy mặt tích cực của bán vàng trực tuyến là người dân sử dụng công nghệ cao để mua vàng thay vì chầu chực từ 3 - 4h sáng tại bốn ngân hàng được phép bán vàng. Việc bán vàng trực tuyến đem lại tiện lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, khi nhiều người dân vẫn không mua được vàng nên cơ quan quản lý cần xem xét mở rộng quy mô bán.

“NHNN nên mở rộng quy mô bán vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Vấn đề đặt ra là cũng phải đồng thời tiêu trừ hiện tượng đầu cơ vàng. Bởi hiện vẫn có những người đi mua vàng hộ, có thể là mua hộ cho cá nhân. Cũng có thể là những người đầu cơ mua gom vàng rồi chờ lúc giá lên để bán ra với giá cao. Để khống chế được chuyện này, bán vàng trực tuyến cũng là một biện pháp tốt khi xác thực được danh tính người mua, người nào mua bao nhiêu… từ đó có thể kiểm soát được tình trạng đầu cơ, gom giữ vàng. Dù vậy, tôi cho rằng, cần phải bán vàng cho người dân một cách đầy đủ, đồng thời phải tìm cách kiểm soát hiện tượng mua hộ vàng hoặc găm giữ, đầu cơ vàng”, ông Hiếu nói.

Khó tránh việc phải nhập khẩu vàng

Hiện tại, ngoài giải pháp tăng cung vàng ra thị trường qua 4 ngân hàng quốc doanh và Cty SJC, rất nhiều biện pháp khác đang được triển khai như: thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, áp dụng hóa đơn điện tử, yêu cầu các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ để gửi về NHNN… Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết dứt điểm bài toán bình ổn thị trường vàng, việc cho phép nhập khẩu vàng là khó tránh.

Từ năm 2012 đến nay, NHNN không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu 9999. Tuy vậy, một lượng lớn vàng vẫn tuồn vào nước ta theo đường không chính thức. Theo Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm, lượng vàng tiêu thụ trong nước lên tới 50-55 tấn, trong khi vàng khai thác được chỉ khoảng 600 kg, số còn lại được nhập khẩu từ bên ngoài.

Sau ba tuần bán vàng theo hình thức mới tại 4 ngân hàng quốc doanh và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, hiện giá vàng SJC ở mức 76,9 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng, thu hẹp đáng kể so với mức chênh lệch gần 20 triệu đồng/lượng thời gian trước.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia về vàng Trần Duy Phương cho rằng, mọi biện pháp của NHNN chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu dài vẫn phải cho phép nhập khẩu vàng. Ngân hàng Nhà nước phải sửa hoặc thay thế Nghị định 24. Nếu cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng sẽ có lợi cho cả việc bình ổn giá vàng trang sức. Có hai phương án để tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường là cấp hạn mức cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng hoặc NHNN nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp. Với phương án cấp hạn mức nhập trực tiếp, các doanh nghiệp phải báo cáo việc nhập khẩu vàng cho NHNN để quản lý, giám sát. Cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch sẽ giúp triệt tiêu được vàng lậu và giúp thị trường vàng thông suốt hơn. Từ đó, NHNN có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, để các doanh nghiệp kinh doanh vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây.

Tại cuộc họp với các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng ngày 21/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định 24. Ngân hàng Nhà nước khẳng định có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Theo Ngọc Mai

tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên