MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băng ở Nam Cực đang tan chảy theo một kịch bản tồi tệ bậc nhất, hàng triệu người có nguy cơ mất trắng nhà cửa dưới biển nước

13-09-2020 - 15:33 PM | Sống

Với nhiều người, chuyện băng ở hai cực đang tan chảy không phải là điều gì quá lạ lẫm. Nhưng mức độ của nó như thế nào thì bạn không thể tưởng tượng được đâu.

Một tin rất xấu dành cho tất cả mọi người, liên quan đến tình hình Trái đất nóng lên. Lượng băng tại Nam Cực và đảo Greenland đang tan chảy theo hướng "kịch bản tồi tệ nhất" trong dự đoán của Liên hợp Quốc (LHQ - UN), đe dọa hàng triệu người trên thế giới với nguy cơ phải hứng chịu nhiều trận lụt nghiêm trọng mỗi năm.

Băng ở Nam Cực đang tan chảy theo một kịch bản tồi tệ bậc nhất, hàng triệu người có nguy cơ mất trắng nhà cửa dưới biển nước - Ảnh 1.

Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature Climate Change, do các chuyên gia từ ĐH Leeds (Anh) và Viện Khí tượng Đan Mạch thực hiện. Theo đó, lượng băng chảy ra từ Nam Cực đang đẩy mực nước biển toàn cầu lên khoảng 7,2mm kể từ khi được theo dõi vào thập niên 1990.

Chưa hết, Greenland - hòn đảo băng lớn nhất thế giới đang "đóng góp" thêm 10,6mm. Và đó là còn chưa tính đến các dòng sông băng lớn nhỏ khác trên thế giới cũng đang tan chảy ở mức không thể kiểm soát.

Tổng cộng, mực nước biển trên thế giới đã tăng trung bình 4mm mỗ năm. Nếu băng cứ tiếp tục tan chảy với tốc độ như vậy thì đến cuối thế kỷ, mực nước biển sẽ tăng thêm 17cm nữa, và khiến ít nhất là 16 triệu người đang sống tại các vùng ven biển gặp nguy cơ mất trắng nhà cửa.

Viễn cảnh trên - theo các nhà khoa học - là gần như chính xác tuyệt đối với "kịch bản tồi tệ nhất" mà UN từng đưa ra.

"Nếu tình trạng băng tan cứ theo như kịch bản tồi tệ nhất, dự tính mực nước biển sẽ tăng 17cm. Như vậy là đủ để làm tăng gấp đôi lượng lũ lụt vốn đã đang không mấy khả quan tại các thành phố duyên hải," - trích lời Tiến sĩ Anna Hogg, đồng tác giả nghiên cứu.

Băng ở Nam Cực đang tan chảy theo một kịch bản tồi tệ bậc nhất, hàng triệu người có nguy cơ mất trắng nhà cửa dưới biển nước - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều lý do vì sao các dự đoán trước đây đã đánh giá quá thấp sự gia tăng mực nước biển. Chẳng hạn, các mô hình hiện nay đã không tính đến yếu tố mây và quá trình hình thành mây, trong khi đây cũng là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng đến quá trình băng tan. Tương tự là các sự kiện thời tiết ngắn hạn, vốn mang lại tác động tương đối đáng kể và là sự bổ sung cho các sự kiện dài hạn làm biến đổi khí hậu.

Kết luận trên mang đến tác động lớn tới những kế hoạch thế giới đang có nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên chính phủ của LHQ (IPCC) được lập ra để cung cấp cho thế giới những thông tin khoa học về quá trình biến đổi khí hậu do tác động của con người. Nếu kịch bản thực sự đang diễn ra theo hướng kinh khủng nhất, nó có nghĩa những hướng dẫn của IPCC đang cần được sửa đổi ngay.

"Dù chúng ta đã biết băng đang tan do tác động của biến đổi khí hậu, tốc độ tan lại đang vượt ngoài sức tưởng tượng," - Tiến sĩ Tom Slater, người đứng đầu nghiên cứu giải thích.

"Quá trình tan chảy đang vượt qua những dự đoán trong các mô hình khí hậu của chúng ta hiện nay. Nó có nghĩa rằng con người đang gặp nguy hiểm và thiếu đi sự chuẩn bị về vấn đề này."

Nguồn: IFL Science

Theo D.D

Báo Dân sinh

Trở lên trên