MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bánh mì thanh long nở rộ tại Bình Thuận

19-02-2020 - 17:45 PM | Thị trường

Dù số lượng thanh long tiêu thụ được từ các lò bánh mì không đáng kể so với tổng sản lượng gần 90.000 tấn đang chín của tỉnh Bình Thuận nhưng phong trào này đã lan tỏa thông điệp chung tay cùng nông dân giải quyết khó khăn.

Xuất phát từ việc thị trường xuất khẩu thanh long gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số cơ sở sản xuất bánh mì ở Bình Thuận đã tham gia giải cứu loại trái cây này bằng việc sản xuất ra các ổ bánh mì có thành phần từ thanh long.

Gần một tuần qua, cơ sở bánh mì tươi Thanh Thủy (đường Trần Hưng Đạo, TP Phan Thiết) bỗng đông khách lạ thường. Dòng người nườm nượp tìm đến hỏi mua khiến cả người bán lẫn thợ làm bánh bên trong không kịp trở tay.

Anh Trương Lương, chủ cơ sở, cho biết từ ngày sản phẩm bánh mì thanh long lên kệ, lượng người mua đã tăng gấp ba lần. "Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện khiến trái thanh long của nông dân Bình Thuận lâm vào cảnh thừa mứa nên mình mới nảy ra suy nghĩ góp một phần nhỏ tham gia hỗ trợ nhà vườn tiêu thụ thanh long. Bên cạnh đó, bản thân mình lúc trước đã từng kinh qua việc sản xuất thanh long sấy khô nên khi nhận thấy tình hình tiêu thụ loại trái cây này gặp khó mình đã kết hợp với đứa em để đưa trái thanh long vào làm bánh mì" - chủ cơ sở này kể.

Bánh mì thanh long nở rộ tại Bình Thuận - Ảnh 1.

Anh Lương chia sẻ toàn bộ trái thanh long đỏ từ nước, hạt đến phần ruột đều được dùng vào chế biến bánh mì.

Đến nay, cơ sở bánh mì của anh Lương đã cho ra thị trường đến 10 sản phẩm khác nhau, từ bánh mì tươi, bánh mì ngọt đến các loại bánh kẹp thịt. Giá của bánh mì thanh long cũng đa dạng, từ 4.000 đồng đến hơn 10.000/ổ, mỗi loại chỉ cao hơn bánh mì thường tầm 2.000 đồng/ổ. "Em cảm thấy bánh có hương vị lạ nhưng khá ngon nhờ có vị thơm của trái thanh long đỏ nên cũng ít ngán" – em Nguyễn Thùy Linh, một học sinh nói.

Bánh mì thanh long nở rộ tại Bình Thuận - Ảnh 2.

Sản phẩm bánh mì làm từ thanh long rất bắt mắt.

Chị Huỳnh Thị Mai, một người dân Phan Thiết, cho biết: "Tôi thấy thông tin trên báo chí, rồi mạng xã hội họ đưa về việc tham gia giải cứu trái thanh long. Hôm trước đọc được tin thấy lò bánh mì chế biến từ trái thanh long của anh Lương rất hay nên mới tìm đến mua thử. Tôi mong muốn không chỉ bánh mì thanh long mà sau này càng có thêm nhiều sản phẩm khác chế biến từ thanh long để giúp người nông dân bớt vất vả hơn".

Hiện nay, ngoài cơ sở bánh mì tươi Thanh Thủy, tại Bình Thuận còn có cơ sở bánh mì chế biến từ thanh long khác đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình). Một số cơ sở bánh mì khác trong tỉnh cũng đang tìm hiểu công thức chế biến bánh mì thanh long và sẵn sàng đưa loại trái cây này vào sản xuất.

Bánh mì thanh long nở rộ tại Bình Thuận - Ảnh 3.

Nhiều khách hàng tìm đến cơ sở bánh mì thanh long để mua về ăn thử

Ngoài bánh mì thanh long, trước đây tỉnh Bình Thuận đã từng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm làm từ đặc sản này, như: nước ép, rượu vang, mứt, thanh long sấy khô, ép dẻo… Dù sản lượng thanh long tiêu thụ được từ các sản phẩm chế biến còn thấp so với trái tươi nhưng cũng đã gợi mở ra hướng đi tích cực cho người nông dân tại thủ phủ thanh long, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường chính.

Theo Hợp Phố

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên