Khách xếp hàng chờ mua bánh trước cửa tiệm Bình Chung.
Cũng theo chủ tiệm, lượng khách mua bánh trung thu đang tăng lên. Đây là mùa bánh trung thu đầu tiên sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 mà càng sát trung thu, lượng khách càng đông lên và dần phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa bằng được so với trước dịch. "Mong rằng đến cận trung thu, lượng khách sẽ quay trở về như thời điểm chưa có COVID-19”, chủ tiệm nói.
Theo quan sát của phóng viên, từ khoảng 8h, hầu như lúc nào khách hàng cũng xếp kín trước cửa tiệm bánh Bình Chung, 3 nhân viên liên tục gói hàng cho khách.
Ngay phía đối diện bên kia đường là tiệm bánh Sinh Hùng, cả chủ và nhân viên cũng thoăn thoắt tay chọn bánh, hộp, gói theo yêu cầu của khách hàng.
Bà Đỗ Nhuận, chủ cơ sở này, cho hay: “Người mua ít một hộp 4 chiếc, nhiều thì cả chục chiếc. Nhưng lượng khách sáng nay không đông bằng chiều tối thứ sáu. Họ mua về thắp hương mùng một”.
Giá bánh được niêm yết ngay trên tủ hàng để khách hàng dễ nắm bắt.
Giá bánh trung thu của tiệm này dao động ở mức 30.000 - 65.000 đồng/chiếc; thấp nhất là vị thập cẩm truyền thống, đậu xanh, hạt dưa cỡ nhỏ với 30.000 đồng. Đắt nhất là bánh thập cẩm gà quay trứng mặn 65.000 đồng.
Cách đó khoảng 600 m, tiệm bánh Đinh Tỵ nằm sâu trong con ngõ nhỏ nhưng không vì thế mà kém nhộn nhịp. Khách hàng cũng tấp nập ra vào tiệm từ sáng sớm, mỗi người chọn cho mình một vài hương vị bánh trung thu truyền thống trước khi ra về.
Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, vì tiệm bánh nằm sâu trong ngõ, ít người qua lại nên khách hàng đến đây có thể thong dong vừa xem bảng giá vừa lựa chọn các loại hộp bánh phù hợp để làm quà biếu hoặc mang về thắp hương.
Mùa trung thu năm nay, tiệm Đinh Tỵ tung ra thị trường các dòng bánh trung thu nhân truyền thống như trứng muối, gà quay xá xíu, đậu xanh, đậu đỏ… với mức giá dao động 40.000 - 65.000 đồng.
Giá bánh tăng khoảng 3.000 - 5.000 đồng mỗi chiếc so với những năm trước.
Nhân viên cũng cho biết, để bù vào chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng, mỗi bánh chiếc bánh năm nay đắt hơn trước 5.000 đồng. Đây cũng là mức tăng phổ biến của hầu hết tiệm bánh trung thu tại Xuân Đỉnh.
Trong khi đó, các quầy bánh trung thu hiện đại nằm rải rác khắp các con phố tại Hà Nội, tuy xuất hiện sớm và trưng bày bắt mắt, lại khá vắng khách. Mảng thị trường này trầm lắng, kém sôi động hơn so với những năm trước khi xảy ra đại dịch.
Chị Thu Hằng, nhân viên bán bánh trung thu hiệu Thu Hương trên phố Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), kể, trước đây, khách có thể mua 6-10 chiếc nhưng giờ mua 4-5 chiếc. Người dân tiết kiệm tiền do giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ tăng cao.
"Ngay như bánh trung thu, chúng tôi bán mỗi chiếc cũng tăng 1.000 - 2.000 đồng vì nguyên liệu ngày càng đắt đỏ”, chị Hằng chia sẻ.
Các quầy bánh trung thu hiện đại vẫn tương đối vắng vẻ.
Chị Hằng thông tin, có nhiều hôm ngồi bán hàng ở quầy từ sáng đến quá 11h trưa vẫn chưa có khách hỏi mua.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều thương hiệu khác. Các nhân viên bán hàng tại quầy cho hay, lượng khách mua bánh trung thu vẫn chưa nhộn nhịp, phần lớn mới chỉ đi khảo giá.
Chị Thảo, bán bánh trung thu Hữu Nghị tại phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), nói: “Năm nay rất vắng khách. Tôi nhớ những năm trước, tầm này người ta đi mua bánh trung thu để tặng, biếu, thậm chí để ăn từ sớm... Còn năm nay vắng hoe”.
Chị Nguyễn Lan, nhân viên bán hàng tại quầy bánh trung thu Kinh Đô tại phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội), nhận định, với tình hình này, phải chờ đến tuần cuối cùng, Tết Trung thu đã cận kề, khách mới đông.
Tại quầy chị Lan phụ trách, hiện tại, mỗi ngày bán được khoảng 40 - 60 bánh, bằng một nửa so với những năm trước.