MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Ấn Độ: Giữa cuộc chiến với Hamas, Israel đang thua trên một mặt trận

03-11-2023 - 21:18 PM | Tài chính quốc tế

Với lời thề "tiêu diệt hoàn toàn" lực lượng Hamas, Israel tiếp tục bắn phá dữ dội ở Dải Gaza. Tuy nhiên, chiến dịch này đang khiến nhiều bên có những phản ứng quyết liệt.

Cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra rất tàn khốc. Theo trang Firstpost (Ấn Độ), tính đến nay, đã có hơn 9.000 người thiệt mạng và gần 30.000 người bị thương. Con số khổng lồ 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và hàng nghìn người khác sẽ mãi mãi bị ám ảnh bởi những sự kiện đang diễn ra ở đó.

Báo Ấn Độ: Giữa cuộc chiến với Hamas, Israel đang thua trên một mặt trận - Ảnh 1.

Người dân ở Bogota, Colombia tham dự buổi cầu nguyện mang tên "Những cuộc sống của người Palestine" để thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc xung đột Israel - Hamas. Ảnh: AP

Cuộc xung đột cũng dẫn đến việc các quốc gia khác phải chọn phe - một mặt có lập trường ủng hộ Israel, coi hành động của họ là chính đáng, mặt khác lại có lập trường ủng hộ Palestine, cũng có những quốc gia vẫn giữ thái độ trung lập.

Và giờ đây, có vẻ như ngày càng có nhiều quốc gia chọn phe và các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh đã thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại Israel để đáp trả cuộc tấn công quy mô lớn của nước này vào Dải Gaza.

Nhiều quốc gia đó đã phản ứng với cuộc xung đột ở nhiều mức độ khác nhau: trong khi một nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, những nước khác đang triệu hồi đại sứ và đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ chống lại Tel Aviv. Trong bối cảnh đó, trang Firspost (Ấn Độ) đưa ra nhận định, dường như Israel đang thua trên mặt trận ngoại giao.

Bolivia cắt đứt quan hệ ngoại giao

Theo Firstpost, có lẽ Bolivia đã gửi một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel về những gì nước này mô tả là các hành động quân sự "hung hãn và không cân xứng" ở Gaza.

Hôm 1/11, Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Freddy Mamani nói rằng chính phủ nước này đã đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ "để bác bỏ và lên án cuộc tấn công quân sự hung hãn và không cân xứng của Israel đang diễn ra ở Dải Gaza".

Ông nói thêm rằng nước này muốn Israel chấm dứt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn "việc tiếp cận thực phẩm, nước uống và các yếu tố thiết yếu khác cho cuộc sống".

Chile, Colombia triệu hồi đại sứ

Bolivia không phải là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất bắt đầu thực hiện các bước đi ngoại giao chống lại Israel.

Tổng thống Chile Gabriel Boric trước đó cho biết, ông đang triệu hồi đại sứ nước này ở Tel Aviv để tham vấn "do những vi phạm không thể chấp nhận được đối với Luật Nhân đạo Quốc tế mà Israel đã gây ra ở Dải Gaza".

Theo Firstpost, Chile là nước có cộng đồng người Palestine lớn nhất và lâu đời nhất bên ngoài thế giới Ả Rập.

Trên mạng xã hội X, Tổng thống Boric viết: "Chile lên án mạnh mẽ và hết sức quan ngại rằng các hành động quân sự này - mà tại thời điểm chúng đang tiếp diễn sẽ kéo theo sự trừng phạt tập thể đối với dân thường Palestine ở Gaza."

Tổng thống Colombia Gustavo Petro cũng đưa ra thông báo tương tự trên mạng xã hội. "Tôi đã quyết định gọi điện cho đại sứ của chúng tôi ở Israel để tham khảo ý kiến", ông Petro cho biết.

Báo Ấn Độ: Giữa cuộc chiến với Hamas, Israel đang thua trên một mặt trận - Ảnh 2.

Tại Amman, Jordan, một cô gái vẽ lá cờ Palestine trên mặt khi người Jordan tụ tập biểu tình ủng hộ người Palestine ở Gaza, trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas. Ảnh: Reuters

Jordan triệu hồi đại sứ

Tại Trung Đông, ngay cả Jordan - một đồng minh thân cận của Mỹ - cũng đã triệu hồi đại sứ của mình tại Israel để phản ứng trước "thảm họa nhân đạo" ở Dải Gaza và số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng trong cuộc chiến của Israel chống lại Hamas.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Al-Safadi yêu cầu đại sứ nước này, Rasan al-Majali, quay trở lại Amman như một "sự thể hiện quan điểm của Jordan bác bỏ và lên án cuộc chiến khốc liệt của Israel ở Gaza".

Ngoài ra, Jordan cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Israel không cử đại sứ của họ, Rogel Rachman, trở lại Amman. Hiện tại, ông Rachman đã trở về Israel do các mối đe dọa an ninh ở Jordan.

Phản ứng của Israel

Theo Firstpost, Israel đã bày tỏ rằng các nước thực hiện những bước đi như vậy là điều đáng tiếc.

Sau tuyên bố của Jordan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat nói rằng nước ông "hối tiếc" về quyết định này.

Theo Al Jazeera ngày 1/11, phản ứng lại Bolivia, ông Haiat cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X: “Bolivia quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel là đầu hàng chủ nghĩa khủng bố và chế độ ở Iran. Với bước đi này, chính phủ Bolivia đang gắn mình với tổ chức Hamas.”

Israel cũng yêu cầu cả Chile và Colombia lên án Hamas, ủng hộ việc Israel bảo vệ công dân của họ và kêu gọi trả tự do cho những dân thường bị Hamas bắt cóc. Bộ Ngoại giao Israel đồng thời yêu cầu hai nước này không liên kết với Venezuela và Iran để hỗ trợ Hamas.

Trước đó, Israel cũng triệu hồi đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì những "tuyên bố nghiêm trọng" của Ankara. Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với đám đông biểu tình đông đảo ở Istanbul rằng chính phủ của ông đang chuẩn bị tuyên bố Israel là "tội phạm chiến tranh" do các hành động ở Dải Gaza.

Theo Hữu Hiển

Đời sống pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên