Báo cáo Google: Việt Nam đứng đầu ĐNÁ về phát triển kinh tế Internet, với các mũi nhọn Thương mại điện tử, Đặt xe và Sơn Tùng M-TP
Theo báo cáo mới nhất từ Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế Internet đang giúp cả khu vực Đông Nam Á “dậy sóng”, nhưng giữa cuộc đua với tốc độ trung bình lên đến 33%/ năm, Việt Nam và Indonesia đã vượt lên dẫn trước.
- 10-09-2019Thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm, Amazon Global Selling Việt Nam, tập đoàn T&T và Bộ Công Thương thúc đẩy tìm kiếm tài năng ở các trường đại học
- 07-09-2019VinaCapital Ventures đầu tư vào nền tảng kết nối thương mại điện tử Ecomobi
- 05-09-2019Giải pháp kinh doanh hiệu quả dịp cuối năm trên sàn thương mại điện tử
Tốc độ của người dẫn đầu
Báo cáo cho biết nền kinh tế số của cả khu vực Đông Nam Á vừa chạm đến cột mốc mới, vượt ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2019, tăng 72 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018, trong đó nổi bật nhất là Indonesia.
Với tổng giá trị 40 tỷ USD vào năm 2019, nền kinh tế Internet của Indonesia đã tăng gấp 4 lần kể từ 2015 với tốc độ phát triển trung bình 49% mỗi năm.
Giữ vị trí là nền kinh tế Internet lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia hy vọng sẽ chạm mức 130 tỷ USD vào năm 2025.
Có thể dễ dàng nhận ra tốc độ "thần kỳ" trên đến từ 2 mũi nhọn: Thương mại điện tử và Gọi xe, với sự tham gia của cả thương hiệu trong nước và các "gã khổng lồ" ngoại quốc. Và không thể không nhắc đến sự hỗ trợ từ mảng thanh toán điện tử, mức độ thuận tiện ngày càng cao khiến thói quen mua sắm online, gọi xe và đặt món trực truyến ngày một phổ biến.
Indonesia tuy không có nhiều thương vụ gọi vốn thành công nhưng tổng giá trị lại vượt trội hơn hẳn. Chỉ tính đến thời điểm hiện tại, mức gọi vốn 4 tỷ USD kỷ lục của năm 2018 đã sắp bị vượt qua, dẫn đầu bởi các "kỳ lân" như Bukalapak, Gojek, Tokopedia và Traveloka.
"Gã khổng lồ" Grab còn làm thị trường sôi động hơn khi cam kết đầu tư "nhiều tỷ USD" vào thị trường Indonesia trong vài năm tới.
Bám ngay sau lưng Indonesia chính là Việt Nam, kể từ năm 2015, quốc gia "cờ đỏ sao vàng" đã liên tục duy trì mức tăng trưởng lên đến 38% mỗi năm. Đến cuối năm 2019, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ chạm mức 12 tỷ USD, đóng góp 5% vào tổng GDP trên cả nước.
Tốc độ này đến từ 61 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, ngoài ra, trung bình người Việt dành đến 3 giờ 12 phút để sử dụng Internet mỗi ngày.
Không những phát triển nhanh, Việt Nam còn vươn lên trở thành nền kinh tế "số hóa" tốt nhất trong khu vực với sự lan tỏa mạnh mẽ của Thương mại điện tử, nổi bật là cuộc chiến giành thị phần của các thương hiệu "gà nhà" Sendo và Tiki, đối đầu với những "gã khổng lồ" ngoại quốc Lazada và Shopee.
Thị trường phát triển sôi động đã tạo nên một sân chơi đầy cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, dù hiện chỉ đứng ở vị trí thứ 3 (sau Singapore và Indonesia về tổng số vốn gọi được), Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục vươn lên.
Số vốn mà nền kinh tế Internet Việt Nam gọi được
Trong 4 năm vừa qua, nền kinh tế Internet Việt Nam đã gọi được gần 1 tỷ USD tiền vốn đầu tư, và năm 2019 được dự đoán sẽ trở thành một năm "phá kỷ lục".
Dù tự hào với tốc độ phát triển nhanh, nhưng cả Việt Nam và Indonesia vẫn không nên coi thường những rào cản về pháp luật, nhất là trong mảng gọi xe với tiềm năng phát triển còn lớn.
Song song đó không thể bỏ qua sự phát triển vượt bậc của Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Trên thực tế, tốc độ phát triển từ 20% đến 30% của 4 nước này dù đã bị Việt Nam và Indonesia làm lu mờ nhưng vẫn hết sức ấn tượng và có khả năng cạnh tranh với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Những điểm nổi bật của nền kinh tế Internet Việt Nam
Cùng điểm qua những "mũi nhọn" mới của nền kinh tế Internet:
1. Thương mại điện tử
Tại Việt Nam, các nền tảng Thương mại điện tử lớn bắt đầu sử dụng các chiến lược truyền thông rất thú vị, chẳng hạn như trình chiếu trực tiếp những đoạn video "mở hộp" và "review" ngay trong ứng dụng, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng nhằm thu hút người xem.
Một số thương hiệu còn chủ động tạo điều kiện cho người mua và người bán vừa trao đổi, vừa "mặc cả" giá bán, kết hợp với nhiều chương trình đấu giá tương tác, tạo nên sự hấp dẫn rất lớn đối với người mua.
2. Sản xuất âm nhạc
Khu vực Đông Nam Á đã thoát cảnh "lệ thuộc" vào xu hướng âm nhạc và video của các nước phát triển phương Tây. Không những thế, nhiều nước ĐNÁ còn trở thành "công xưởng" sản xuất nội dung, tự mình chi phối xu hướng nghệ thuật giới trẻ trong nước.
Trong đó nổi bật là "siêu sao" Sơn Tùng, với hơn 1 tỷ lượt xem trên YouTube, chàng ca sĩ trẻ tuổi còn khiến cả giới nghệ thuật "phát sốt" khi tung ra MV với sự tham gia của rapper "huyền thoại" Snoop Dogg.
3. Công nghệ tài chính
Những công ty "thuần" công nghệ tài chính liên tục xuất hiện với mô hình hoặc công nghệ hoàn toàn mới so với các đối thủ trên thị trường. Trong đó nổi bật là ứng dụng "ví điện tử" Momo với khả năng giải quyết "dứt điểm" những khó khăn của mô hình tài chính truyền thống hiện tại ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Momo còn phải vượt qua 2 trở ngại lớn nếu muốn trở thành "ví tiền quốc dân", một là chi phí sở hữu khách hàng đang ở mức khá cao, hai là giá trị vòng đời khách hàng với sự cạnh tranh gay gắt của cả đối thủ hiện đại và truyền thống.
Khả năng trở nên ổn định tài chính và mở rộng bền vững cũng là những yếu tố quyết định sự sống còn của Momo.
Trí Thức Trẻ