MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo cáo kiểm toán Vietjet 2019: sẵn sàng cho bật tăng trở lại sau dịch

08-05-2020 - 09:21 AM | Doanh nghiệp

Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép tất cả các đường bay nội địa và bắt đầu mở các đường quốc tế.

CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính 2019 kiểm toán bởi KPMG với các số liệu tích cực, phản ánh kết quả tăng trưởng tốt mảng kinh doanh cốt lõi vận tải hàng không trong năm.

Với mạng đường bay trong năm tăng trưởng 24% năm 2019, Vietjet tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về vận chuyển nội địa với 25 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu Công ty mẹ sau kiểm toán là 41.252 tỷ đồng, tăng 22%, lợi nhuận trước thuế đạt 3.868 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.

Năm 2019, Vietjet cho biết đã nhận 7 tàu bay so với tổng số 16 tàu của năm trước. Do vậy, doanh thu từ hoạt động mua bán tàu bay sau kiểm toán đạt 9.350 tỷ đồng. Kết quả, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng năm 2019 đạt lần lượt là 50.602 tỷ đồng và 4.569 tỷ đồng.

Theo báo cáo kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2019, Vietjet vận hành 78 tàu bay với tuổi trung bình chỉ 2,75 năm với hệ số sử dụng ghế đạt 87%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%, thuộc nhóm các hãng hàng không có chỉ số an toàn khai thác dẫn đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chỉ số an toàn khai thác của Vietjet được tổ chức quốc tế AirlineRatings đánh giá ở mức 7 sao, mức cao nhất trong ngành.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2019 kiểm toán cho biết, tổng tài sản đạt 48.859 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu là 17.249 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn sử dụng 2.347 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ, tương ứng tăng trưởng 25% và 22,8 % so với năm trước.

Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức tốt 1,3 lần, chỉ số Nợ Vay/ Vốn chủ sở hữu chỉ có 0,79 lần là tỷ lệ tốt về sức khỏe tài chính trong ngành hàng không.. Chỉ số biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và tiền thuê (EBITDAR margin) đạt mức 30%, nằm ở vị trí các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực và thế giới. Lượng tiền mặt lên tới 6.073 tỷ đồng, bao gồm những khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Số tiền đang ứng trước cho các nhà sản xuất cũng lên tới 369 triệu USD.

Tăng trưởng doanh thu phụ trợ (ancillary), chủ yếu bao gồm các khoản ký gửi hành lý và phụ phí, doanh thu vận chuyển hàng hóa (cargo), doanh thu bán hàng trên tàu bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) và doanh thu quảng cáo cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng của Vietjet. Năm 2019, doanh thu phụ trợ đạt 11.305 tỷ, tăng 35,6% so với năm trước, cơ cấu doanh thu phụ trợ cũng chuyển dịch từ 25,3% năm 2018 lên 30,4% trong tổng doanh thu vận chuyển.

Từ đầu năm 2020 đến nay, chủ động trước các kế hoạch ứng phó Covid-19, Vietjet đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ (ancillary), thẻ bay Power Pass... Ngoài ra, hãng đã được Cục Hàng không cấp phép và bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, giảm chi phí, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Học viện Hàng không Vietjet trong năm 2019 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển bền vững của hãng, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển cho Vietjet mà còn cả ngành hàng không trong nước, quốc tế. Cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn châu Âu EASA đã thực hiện 1.327 khóa đào tạo phi công, tiếp viên, kỹ thuật... cho 47.109 lượt học viên trong năm 2019. Công nghệ nghiên cứu, huấn luyện trực tuyến E-learning tiếp tục được đẩy mạnh với 544 khóa học cho 19.936 lượt học viên trong năm và phát huy hiệu quả trong suốt mùa dịch Covid-19 vừa qua với hàng ngàn lượt học viên .

Vietjet và Airbus đã ký kết hợp đồng để lắp đặt thêm 2 buồng SIM vào năm 2020 và 2021, tăng cường đáng kể năng lực đào tạo, không chỉ dành cho các đợt huấn luyện định kỳ của phi công mà còn mở rộng sang các khóa đào tạo, đánh giá xếp loại đối với học viên phi công mới và nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên bay của Vietjet. Toàn bộ các trang thiết bị huấn luyện khẩn nguy, đào tạo cơ bản cho tiếp viên, phi công tại Học viện như các thiết bị mô phỏng khoang hành khách, huấn luyện khẩn nguy, hồ bơi tạo sóng với tiêu chuẩn Olympic … cũng đã hoàn thành lắp đặt, đưa vào sử dụng, đưa Học viện Hàng không Vietjet trở thành cơ sở đào tạo chuyên ngành quy mô hiện đại hàng đầu khu vực. Tháng 4 vừa qua, Vietjet đã khởi công các dự án Khu nghiên cứu ứng dụng thực hành cho chuyên ngành Kỹ thuật hàng không thuộc Học viện.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Vietjet đang cung cấp các giải pháp vận chuyển hàng hóa bằng đường không đa dạng, phục vụ khách hàng trong nước, quốc tế, mang tới nguồn doanh thu mới và ổn định.

Sự hỗ trợ của Chính phủ cũng được chờ đợi góp phần giảm áp lực, hỗ trợ hàng không hồi phục bao gồm việc miễn giảm các loại thuế, phí dịch vụ hàng không, miễn giảm thuế môi trường cho nhiên liệu bay, gói hỗ trợ tài chính… Năm ngoái, số tiền thu nộp ngân sách của Vietjet lên tới 9.023 tỷ đồng, luôn thuộc nhóm các tập đoàn nộp thuế lớn nhất.

Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép tất cả các đường bay nội địa và bắt đầu mở các đường quốc tế. Trở lại với bầu trời ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hãng hàng không có nội lực và quản trị tốt như Vietjet, với nền tảng tài chính vững vàng được tích lũy từ kết quả 2019 và những năm trước đó, được dự báo các hoạt động sẽ nhanh chóng hồi phục, bật tăng trở lại, đóng vai trò động lực cho thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế và đầu tư cho các quốc gia và thế giới.

Báo cáo hợp nhất kiểm toán

Trường An

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên