MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo cáo lạm phát Mỹ gây lo ngại

12-04-2024 - 07:46 AM | Tài chính quốc tế

Phần lớn thị trường chứng khoán tại châu Á - Thái Bình Dương giảm điểm sau khi báo cáo lạm phát mới của Mỹ làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (FED) của nước này có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn.

Theo báo cáo vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 3 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,4% so với tháng 2. Các nhà kinh tế trước đó dự báo tỉ lệ này lần lượt là 3,4% và 0,3%. 

Ngay sau khi CPI trên được công bố, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ (Dow Jones, S&P 500, Nasdaq Composite) nhanh chóng lao dốc. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã nhảy vọt lên hơn 4,5% trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm cũng tiến sát mức 5%.

Ông Kenneth Mahoney, Chủ tịch Công ty Tài chính Mahoney Asset Management (Mỹ), nhận định FED không có lý do gì để cắt giảm lãi suất khi cuộc chiến chống lạm phát chưa kết thúc. Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của Công ty Dịch vụ tài chính CME Group (Mỹ), thị trường tài chính phần lớn dự đoán FED bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 thay vì tháng 6 tới.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS

Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS

Phản ứng trước báo cáo CPI của Mỹ, giá vàng cũng giảm về quanh ngưỡng 2.331 USD/ounce sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.364 USD/ounce hôm 10-4. 

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, thị trường dầu mỏ đang phản ứng mạnh mẽ trước diễn biến mới tại Dải Gaza, nổi bật là thông tin 3 người con của một thủ lĩnh Hamas thiệt mạng trong cuộc không kích mới của Israel. Giá dầu Brent được giao dịch quanh ngưỡng 90,66 USD/thùng hôm 11-4 trong khi giá dầu WTI có lúc lên đến 86,37 USD/thùng. 

Các ngân hàng đầu tư nhận định giá dầu nhiều khả năng còn tăng cao hơn nữa trong bối cảnh thị trường siết chặt nguồn cung và rủi ro địa chính trị gia tăng. Họ cũng không loại trừ khả năng giá dầu đạt 100 USD/thùng trong năm nay. 

Riêng Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nhận thấy rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ đẩy giá dầu Brent lên 94 USD/thùng trong quý III/2024.

Trong khi đó, báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế toàn cầu, đồng thời dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng 4,8% năm 2024. 

Theo đài CNBC hôm 11-4, ADB ước tính kinh tế Trung Quốc sẽ chiếm 46% GDP ở châu Á trong giai đoạn 2024 - 2025. Nhà kinh tế trưởng Albert Park tại ADB cho rằng mức độ đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng thế giới vẫn cao hơn các nền kinh tế còn lại.

Cũng theo ADB, Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực, lần lượt 7% năm 2024 và 7,2% năm 2025. Trong khi đó, kinh tế Nhật dự kiến tăng trưởng 0,6% năm nay, so với mức 1,9% năm 2023. Kinh tế Mỹ cũng chứng kiến xu hướng tương tự khi mức tăng trưởng năm nay là 1,9%, thấp hơn con số 2,5% của năm 2023. 

Theo Xuân Mai

Người Lao Động

Trở lên trên