Báo cáo Q&Me: Vingroup thống lĩnh thị trường bán lẻ trong năm 2019
Báo cáo nghiên cứu thị trường từ Q&Me cho thấy Vingroup đang dẫn đầu sự gia tăng kênh bán hàng thương mại hiện đại, với thị phần chi phối ở trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và siêu thị.
Báo cáo từ Q&Me về bức tranh toàn cảnh thị trường bán lẻ trong năm 2019 có sự thay đổi một cách nhanh chóng với sự tăng trưởng mạnh của các cửa hàng ở kênh hiện đại cùng với các thương vụ mua bán của các tập đoàn lớn, trong đó Vingroup đã hoàn thành nhiều thương vụ mua lại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng điện thoại di động, cửa hàng bách hóa…
Doanh thu ngành bán lẻ tăng mạnh nhất từ trước đến nay, trong đó Vingroup chiếm phần lớn
Theo báo cáo Q&Me, doanh thu bán lẻ đạt 142 tỷ đô la trong năm 2018 - mức cao nhất từng được ghi nhận và dự kiến sẽ đạt 180 tỷ đô la vào năm 2020. Mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13%. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố tăng trưởng mạnh mẽ nhất về các kênh bán hàng hiện đại. Chỉ riêng TP.HCM và Hà Nội đã chiếm 1/3 tổng doanh thu (TP.HCM là 22% gấp đôi so với Hà Nội là 11%).
Tuy nhiên, về phân khúc MT lại đang có xu hướng phát triển mạnh ở các thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM. Mức tăng trưởng phân khúc siêu thị ở Hà Nội và TP.HCM chỉ với 10%, cửa hàng bách hóa là là 11% trong khi các thành phố khác là 23% với phân khúc siêu thị và 34% ở cửa hàng bách hóa.
Trong đó, Vingroup dẫn đầu sự gia tăng thương mại hiện đại, với thị phần chi phối tại cửa hàng bách hóa, CVS và siêu thị. Thị phần của Vingroup tại kênh siêu thị là 33%, cửa hàng tiện lợi là 51% và cửa hàng bách hóa chiếm tới 70%.
Thống kê tỉ lệ chiếm lĩnh thị phần của Vingroup tại kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng bách hóa
Dự báo về tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của doanh số bán lẻ cửa hàng tiện lợi giai đoạn 2017-2021, Q&Me nhận định số CVS sẽ tiếp tục tăng. Doanh số CVS được dự kiến sẽ tăng 37,4% CAGR cho đến năm 2021. Việt Nam dự kiến sẽ vượt xa các nước láng giềng về doanh số bán lẻ về cửa hàng tiện lợi. Mức tăng trưởng của Việt Nam đang là 37,4 %, trong khi đó Philippines chỉ 24,2%, Indonesia 15,8 %, Malaysia 10,5 %, India 10,3%, China 7,1%, Thái Lan 6,6% và Nhật Bản là 5,5%.
Để giành thị phần, các đơn vị phát triển CVS tại Việt Nam đặt mục tiêu trong 8-10 năm tới sẽ phát triển hàng ngàn cửa hàng khắp cả nước. Chuỗi CVS 7-eleven hiện chỉ có 27 cửa hàng nhưng đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ có 1.000 cửa hàng. B’s mart hiện có 125 cửa hàng và đặt mục tiêu đến năm 2027 có 3.000 cửa hàng. Family mart hiện có 151 cửa hàng và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1.000 cửa hàng. Ministop dự tính nâng số cửa hàng từ 115 lên 800 cửa hàng vào 2028, Vinmart+ hiện có 1.465 cửa hàng và đặt mục tiêu nâng lên 4.000 cửa hàng đến năm 2020. Một đơn vị nữa là GS25 – chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc vừa triển khai chương trình nhượng quyền ở TP.HCM trong tháng 11 này cũng dự kiến sẽ nâng số lượng cửa hàng từ 50 lên 2.500 đến năm 2028.
Sẽ có thêm nhiều thương vụ sát nhập hoặc rút khỏi thị trường
Báo cáo từ Q&Me cho biết mặc dù xu hướng phát triển cửa hàng MT tăng mạnh nhưng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt dẫn đến nhiều thương vụ mua bán, sát nhập với các tập đoàn lớn đã diễn ra, bên cạnh đó một số đơn vị lại chọn cách thoát khỏi thị trường.
Điển hình là Fivimart từng thuộc Aeon nhưng giờ đây đã được Vingroup mua lại. Hoạt động của Shop & Go cũng được tiếp quản bởi Vingroup năm 2019. Hay chuỗi cửa hàng điện thoại Viễn Thông A thành lập năm 1997 cũng đã được mua lại bởi Vingroup vào năm 2018.
Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần ngành bán lẻ, chuỗi cửa hàng Auchan của đại gia người Pháp được phát triển vào năm 2015 cũng đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam. Sau một hành trình dài thua lỗ, đơn vị này đã quyết định bán 18 cửa hàng vào tháng 5/2019 và nói lời chào tạm biệt người tiêu dùng.
Về xu hướng mua sắm của người dùng, Q&Me dự báo kênh MT vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng đối với khách hàng thuộc giới thượng lưu, trong khi đó phân khúc GT lại là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của đối tượng khách hàng ưa thích mặt hàng giá rẻ.
Khi thời đại 4.0 lên ngôi, công nghệ cũng được sử dụng trong bán lẻ để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm mới. Trong đó Vingroup là đơn vị hoạt động tích cực nhất.
Trong tương lai, các đơn vị phát triển hệ thống CVS sẽ áp dụng công nghệ hiện đại để mở ra những cửa hàng ảo nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm mọi lúc mọi nơi của khách hàng. Khi đó, người dùng chỉ cần ngồi 1 chỗ tải App về máy, scan mã QR của sản phẩm được in trên catalog, tiến hành thanh toán và sau đó ngồi chờ nhận hàng.