"Bão" Covid-19 chưa qua, người chăn nuôi Châu Á lại quay cuồng vì dịch cúm gia cầm
Ngành chăn nuôi gà ở nhiều nơi trên thế giới chưa hết khốn đốn vì dịch Covid-19, nay lại thêm khó khăn vì dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều năm.
- 08-01-2021Thịt gà rẻ ồ ạt vào Việt Nam: Người nuôi lỗ nặng
- 04-09-2020Xét nghiệm SARS-CoV-2 với thịt, tôm, cánh gà nhập khẩu
Dịch cúm gia cầm đang "càn quét" qua các trang trại nuôi gà ở khắp nơi của Châu Á, từ Nhật Bản đến Ấn Độ…, đẩy giá gia cầm không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đã có hơn 20 triệu con gà ở Hàn Quốc và Nhật Bản bị tiêu hủy kể từ tháng 11 đến nay. Tuần trước, virus H5N8 đã được phát hiện thấy ở Ấn Độ, nước sản xuất gà lớn thứ 6 thế giới. Đến nay, đã có 10 bang của Ấn Độ phát hiện thấy virus này trên đàn gà.
Các chuyên gia cho biết, dịch cúm gia cầm thường xảy ra ở Châu Á vào thời điểm này trong năm do các loài chim di cư. Các chủng virus mới đã phát triển hơn, dễ gây chết gia cầm hơn là các loài chim hoang dã, khiến cho những quốc gia nằm trên đường bay của các đàn chim di cư dễ bị tổn thương hơn.
Các nhà chức trách của Đức hôm 13/1 cho biết, khoảng 37.000 con gà ở nước này sẽ bị tiêu hủy sau khi phát hiện có virus cúm gia cầm ở trang trại ở Kobrow thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern , miền Đông nước này.
Giá thịt gà ở Ấn Độ đã giảm gần 1/3 trong tuần trước do người tiêu dùng cảnh giác hơn với thực phẩm bởi dịch Covid-19 khiến họ ngày càng lo lánh với dịch bệnh, thậm chí lảng tránh cả thịt.
Uddhav Ahire, Chủ tịch công ty gia cầm Anand Agro Group ở thành phố Nashik, cho biết cúm gia cầm không thể lây nhiễm sang người qua đường tiêu thụ gia cầm, và virus H5N8 chưa từng lây nhiễm sang người, nhưng người tiêu dùng vẫn lo sợ.
Tổng số ca lây nhiễm các loại cúm gia cầm của các nước/khu vực từ 1/10/2020 đến nay
Cho đến nay, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết mặc dù đã phát hiện có virus cúm gia cầm trên đàn gà của họ, song điều đó chưa tác động tới thị trường, với nhu cầu tiêu thụ thịt gà cho các bữa ăn tại nhà vẫn tiếp tục tăng trong giai đoạn phong tỏa chống Covid-19.
Về dịch bệnh, các đợt bùng phát dịch bệnh lây lan nhanh trên phạm vi rộng trong thời gian gần đây đã khiến dịch cúm gia cầm lần này trở thành đợt dịch tồi tệ nhất ở Châu Á kể từ đầu những năm 2000.
Tại Nhật Bản, dịch bệnh bùng phất ở Chiba, cách Tokyo hơn 1.000 km, chỉ sau 2 tháng đã lây lan tới nhiều nơi, kể cả Miyazaki thuộc đảo Kyushu, và xu hướng lây lan vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Chúng tôi không thể nói rằng nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm lây sẽ sớm giảm bớt vì mùa di cư của các loài chim sẽ kéo dài đến tháng 3, thậm chí một số trường hợp đến tận tháng 4", thông tin từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết.
Filip Claes, Giám đốcTrung tâm Khẩn cấp về Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới (ECTAD) của FAO, cho biết vi rút H5N8 được phát hiện ở Nhật Bản và Hàn Quốc rất giống với vi rút lây lan ở Châu Âu năm 2019 - là virus đã phát triển từ virus phổ biến hồi năm 2014. Một loại virus biến thể khác ở Châu Âu cũng xuất hiện từ cuối năm 2020 và đang gây ra những thiệt hại rất lớn.
Châu Á và Châu Âu chiếm khoảng 50% tổng sản lượng thịt gia cầm toàn cầu
Ở Indonesia - nước sản xuất gia cầm lớn thứ 2 Châu Á, theo Fadjar Sumping Tjatur Rassa, giám đốc Cục Thú y của Bộ Nông nghiệp, Indonesia chỉ là điểm trung chuyển tạm thời cho các loài chim hoang dã, và điều đó giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, quốc gia này đã cấm nhập khẩu gia cầm sống từ các quốc gia có H5N8 và thiết lập một hệ thống giám sát để phát hiện sớm vi rút.
Ở những nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Lào và Campuchia, do không nằm dưới đường bay chính của chim di cư nên đến nay chưa bị dịch H5N8. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm của những quốc gia này cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển người và hàng hóa.
Tuy nhiên, chuyên gia về bệnh cúm của Viện Pirbright (Anh quốc) cho biết: "Dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan cho đến khi xuất hiện một loại virus khác thay thế nó".
Nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm sang người là rất thấp. Tuy nhiên, trong quá khứ, các đợt bùng phát dịch bệnh đã buộc các trang trại chăn nuôi phải tiêu hủy hàng loạt để ngăn chặn dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thịt gia cầm cũng như gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Tham khảo: Reuters