Báo động di cư khỏi ĐBSCL
Không thể sống được với nghề nông do thu nhập bấp bênh, biến đổi khí hậu…, một bộ phận dân cư ở ĐBSCL đã đến các đô thị ở Đông Nam Bộ tìm việc làm
- 25-07-2016Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài
- 05-06-2016TP HCM tiếp tục di dời dân sống ở chung cư cũ trên 50 năm
Các chuyên gia đã nhận định như trên tại hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới (1986-2015)” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28-10 ở TP Cần Thơ.
Hạ tầng cản trở phát triển
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Phát triển ĐBSCL - Trường ĐH Cần Thơ, đánh giá: “Tuy ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu trong gần 30 năm qua song cần nhìn lại thực trạng hiện nay. Nếu như năm 1990, GDP vùng ĐBSCL cao gấp rưỡi GDP của TP HCM thì 20 năm sau, tỉ lệ này đã đảo ngược. Nguyên nhân là do bất cập về kinh tế cấu trúc, chủ yếu dựa vào khu vực 1 (nông nghiệp). Trong khu vực 1, một thời gian dài chỉ tập trung vào lúa gạo là chính. Gần đây, thủy sản được quan tâm hơn nhưng cây ăn quả vẫn còn bỏ ngỏ”.
Vì khó phát triển kinh tế khu vực 2 (công nghiệp, xây dựng), khu vực 3 (dịch vụ) nên dẫn đến đời sống của hơn 2,8 triệu hộ trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo tại hội thảo, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL từ năm 2001-2010 trung bình 10%/năm, từ 2011-2014 là 8,8%/năm và 2015 còn 8%/năm. Năm 2000, khu vực 1 chiếm 54% GDP ở ĐBSCL, khu vực 2 là 18%, khu vực 3 là 28%. Tuy nhiên, đến năm 2010, số liệu tương ứng là 41%, 25% và 34%. Năm 2015, khu vực 1 chiếm 33%, khu vực 2 là 26% và khu vực 3 là 41%.
TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ - phân tích: “Các tỉnh tiếp giáp TP HCM như Long An, Tiền Giang và Bến Tre có tỉ lệ tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng bình quân của vùng và cao hơn so với những tỉnh khác.
Các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang trước đây có tốc độ tăng trưởng cao nhưng đến năm 2008 thì chậm lại và đà suy yếu vẫn tiếp tục nên giảm rất mạnh trong năm 2015. Các địa phương vùng trung tâm gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 2007-2012 nhưng đã chậm lại trong 3 năm tiếp theo, năm 2015 có tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất”.
Ông Dũng cho rằng hạ tầng giao thông yếu kém là nguyên nhân lớn nhất khiến ĐBSCL khó thu hút đầu tư, hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Theo báo cáo điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 36,4% DN ở ĐBSCL có sản phẩm hư hại do chất lượng đường sá kém khiến mỗi DN thiệt hại trung bình 25 triệu đồng/năm. Các DN cũng mất trung bình 7,2 ngày làm việc do hệ thống giao thông bị tắc nghẽn do lũ lụt, thiên tai.
Tha hương cầu thực
Các cuộc tổng điều tra dân số cho thấy giai đoạn năm 1984-1989, di dân từ ĐBSCL đến các vùng khác là 92.893 người, năm 1994-1999: 229.168 người, 2004-2009: 733.003 người, 2009-2014: 544.909 người. Trong khi đó, số người nhập cư ở ĐBSCL thấp hơn rất nhiều, giai đoạn 2009-2014 chỉ có 97.438 người.
PGS-TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nam Bộ, nhận xét: “Tỉ lệ xuất cư khỏi ĐBSCL ngày càng rõ rệt, trong đó đa phần là lao động trẻ đến Đông Nam Bộ tìm việc làm trong khu vực phi nông nghiệp. TP HCM là nơi tiếp nhận khoảng 1/2 số di dân từ ĐBSCL, còn lại là đến Bình Dương và Đồng Nai”.
Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của những người sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL khiến nhiều hộ ven biển tìm đến Đông Nam Bộ kiếm sống.
Lao động trẻ trong độ tuổi 18-35 di cư thường làm việc trong những ngành gia công, điện tử… Nhiều người sau 40 tuổi có thể sẽ không còn làm những việc này mà tìm việc khác hoặc trở về nông thôn và trở thành sức ép lớn về kinh tế, chăm sóc y tế cho địa phương, trong khi họ tích lũy rất ít tài sản.
“Hiện tượng di cư quốc tế do phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc và sau khi ly hôn, họ mang con về quê hương đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được giải quyết. Các vấn đề về di cư và di dân của vùng ĐBSCL đòi hỏi phải có chiến lược, kế hoạch, chương trình, chính sách đồng bộ và lâu dài” - ông Sang nhận định.
Dân số lão hóa và nghèo hóa
Quá trình lão hóa dân số ở ĐBSCL đang diễn ra nhanh hơn so với mức trung bình cả nước do tình trạng xuất cư cao của lao động trẻ. Ông Sang dự báo: “Tỉ lệ phụ thuộc của người cao tuổi sẽ tăng lên trong 2 thập niên tới. Kết hợp với nhiều yếu tố, ĐBSCL sẽ đối mặt vấn đề trung hạn là dân số trở nên lão hóa cùng với nghèo hóa, khi những lớp di dân nông thôn - thành thị đầu tiên không tham gia thị trường lao động thành thị và trở về nông thôn sinh sống”.
Người lao động