MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động: Gánh nặng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp đã tăng gấp rưỡi

Báo cáo tài chính quý II/2023 của 1.026 công ty đại chúng đại chúng cho thấy chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 47% so với cùng kỳ, bất chấp nỗ lực hạ lãi suất từ phía các cơ quan quản lý.

Báo động: Gánh nặng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp đã tăng gấp rưỡi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nội dung chính:

  • Chi phí lãi vay của 1026 doanh nghiệp niêm yết đã tăng 47% so với 6 tháng đầu năm 2022.
  • Tại ngày 30/6/2023, tổng các khoản vay ngắn và dài hạn của các doanh nghiệp chỉ tăng 4% so với đầu năm, chủ yếu do tăng các khoản vay ngắn hạn và nợ đến hạn.
  • Khoản mục phải trả người bán của 1026 doanh nghiệp được thống kê đã giảm 5,5% trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính quý II/2023 của 1.026 công ty đại chúng (trừ ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán) được FiinPro cung cấp, các doanh nghiệp đã phải chi hơn 53.770 tỷ đồng lãi vay trong 2 quý đầu năm nay, tăng  47% so với cùng kỳ 2022.

Dữ liệu từ FiinPro cho thấy tổng chi phí lãi vay của 10 doanh nghiệp cao nhất quý nửa đầu năm 2023 đạt gần 19 nghìn tỷ đồng lãi vay, tăng hơn 47% so với cùng kỳ - tương đương với mức tăng chung của các doanh nghiệp. Trong đó, 5 doanh nghiệp đứng đầu đều có mức chi phí lãi vay trên 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm.-

Báo động: Gánh nặng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp đã tăng gấp rưỡi - Ảnh 2.

Trong số 10 doanh nghiệp kể trên, chi phí lãi vay của Tổng Công ty điện lực 3 (EVNGENCO 3) tăng mạnh nhất - gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 1.200 tỷ đồng từ mức 610 tỷ đồng hồi nửa đầu năm ngoái.

Chi phí lãi vay tăng mạnh đã trở thành câu chuyện “không của riêng ai” suốt 2 quý vừa qua. 3 trên 10 doanh nghiệp có chi phí lãi vay cao nhất nửa đầu năm nay đã tiến hành cắt giảm vay nợ. Cụ thể, tổng vay và nợ thuê tài chính của EVNGENCO 3, Masan và Vietnam Airlines cuối quý II/2023 đã giảm lần lượt 7%, 4% và 1% so với cuối năm 2022. Dù vậy, lãi vay phải trả của các doanh nghiệp này vẫn tăng hai chữ số.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết sau 4 lần giảm liên tiếp lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.

Một số NHTM đã điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Thực tế, lãi suất cho vay đã không hạ nhiệt ngay lập tức, các doanh nghiệp vẫn đang phải gồng gánh chi phí lãi vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng đối với các khoản vay cũ dù đã hạn chế, thậm chí tiết giảm vay nợ.

Doanh nghiệp hạn chế vay nợ

Theo dữ liệu từ FiinPro, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn của 1026 doanh nghiệp vào cuối tháng 6/2023 chỉ tăng nhẹ 4% so với đầu năm, đạt hơn 1,55 triệu tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn tăng 11% nhưng vay dài hạn lại giảm 5%.

Sự dịch chuyển này cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu e ngại với các khoản vay dài hạn, thường có lãi suất thả nổi - khi triển vọng kinh doanh chưa thực sự rõ ràng.

Năm 2023, NHNN đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14 - 15%. Nhưng tính đến cuối tháng 6, tín dụng mới chỉ tăng 4,03% - thấp hơn hẳn mức tăng 9,4% cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm. Nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng chậm là do sức cầu của nền kinh tế yếu, trong cả sản xuất và tiêu dùng.

Giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp cũng đang có dấu hiệu yếu dần khi số dư nợ phải trả giảm bớt.

Tại ngày 30/6/2023, tổng số dư phải trả người bán của 1026 doanh nghiệp đã giảm 5,5% so với đầu năm, còn gần 433 nghìn tỷ đồng. Trong đó, VinGroup, Vietnam Airlines và Petrolimex là 3 doanh nghiệp có khoản phải trả người bán cao nhất, đều trên 20.000 tỷ đồng.

Báo động: Gánh nặng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp đã tăng gấp rưỡi - Ảnh 3.

Khi tình hình chung vẫn chưa hết khó khăn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức cấn trừ nợ bằng tài sản, cổ phần, thậm chí là sản phẩm của doanh nghiệp để trả cho người bán, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

Điển hình như Xây dựng Hòa Bình đã có nghị quyết HĐQT thông qua việc nhận chuyển nhượng 88 sản phẩm bất động sản từ 2 chủ đầu tư là Novaland và Sungroup trong nửa đầu năm nay. Thương vụ nhận chuyển nhượng, nếu được thực hiện, có thể là để cấn trừ công nợ giữa các bên.

Tính đến hết tháng 7, chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã có 5 tháng liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Dù có sự phục hồi trong tháng 7 nhưng tổng thể hoạt động sản xuất nước ta vẫn đang suy yếu.

Báo động: Gánh nặng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp đã tăng gấp rưỡi - Ảnh 4.

Chỉ số PMI của Việt Nam đã dưới ngưỡng 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp. (Nguồn:  S&P Global PMI)

"Một điểm tích cực hơn là có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới [tháng 7] giảm chậm nhất trong thời gian 5 tháng. Các doanh nghiệp hy vọng điều này có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới ", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence  cho hay.

Ông Andrew Harker cho rằng: "Ngành sản xuất Việt Nam vẫn chịu áp lực khi các doanh nghiệp tiếp tục khó kiếm được đơn đặt hàng mới và đã phải giảm sản lượng tương ứng".

Theo Quỳnh Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên