Báo động nguy cơ hải sản Việt bị phạt thẻ đỏ
EU sẽ giảm, ngừng mua hàng nếu thủy sản xuất khẩu Việt Nam bị phạt thẻ đỏ.
- 23-09-2017Phấn đấu giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD
- 31-08-2017Trung Quốc lại ồ ạt gom thủy sản
- 25-08-2017Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng tốc vào những tháng cuối năm 2017
Cộng đồng doanh nghiệp (DN), lãnh đạo Bộ NN&PTNT lo ngại nguy cơ Việt Nam có khả năng cao bị Liên minh châu Âu (EU) phạt thẻ vàng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Tình hình nghiêm trọng
Tại hội nghị “DN hải sản cam kết chống khai thác IUU” do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức chiều 25-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cảnh báo đây là vụ việc nghiêm trọng, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU. Sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác.
Với hơn 40% sản lượng hải sản của DN xuất khẩu vào EU, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, nói bà đang “lo sốt vó”. Bởi đến ngày 30-9, tức chỉ còn bốn ngày nữa, là thời hạn cuối cùng hải sản xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu theo quy định IUU. Nếu không đáp ứng được chắc chắn sẽ bị thẻ vàng, trong khi đó các quy định như lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá cần rất nhiều thời gian, hệ thống pháp lý lại chưa sửa đổi phù hợp với cam kết quốc tế về các quy định IUU.
Khi EU giơ thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của DN qua khu vực này sẽ giảm do các khách hàng sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU, thậm chí họ sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng. Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.
Điều này sẽ khiến DN Việt mất thời gian, chi phí. Riêng phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.
“Đáng lo ngại nhất là nếu bị thẻ vàng nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Nếu bị thẻ đỏ coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn” - bà Sắc phân tích.
Các doanh nghiệp cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp. Ảnh: QUANG HUY
Đồng quan điểm, ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood), cũng chỉ ra hệ lụy nếu hải sản xuất khẩu của Việt Nam bị thẻ vàng của EU. Rủi ro lớn nhất là tỉ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất DN nói riêng và chung cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam là cực kỳ lớn.
“Thực tế Philippines có đến 70% lô hàng bị từ chối, trả lại vì không đáp ứng quy định IUU của EU” - ông Hoài dẫn chứng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết nếu bị thẻ vàng IUU, tên quốc gia bị cảnh báo sẽ bị bêu trên các tạp chí, website chính thức của EU. Điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó. Đồng thời các thị trường khác có thể sẽ áp dụng quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho Việt Nam nếu bị EU phạt thẻ vàng.
Phải “bắt tay” lấy thẻ xanh
Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định ngành hải sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn cơ hội, thời gian để đáp ứng quy định về IUU. Tuy nhiên, một mình DN không làm nổi mà cần Nhà nước chung tay, thay đổi chính sách, khung thể chế pháp lý để quản lý tốt về khai thác đánh bắt hải sản.
“Thực tế tàu bè khai thác đánh bắt hải sản Việt Nam nhỏ và nhiều nên để quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát trên mỗi tàu cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN và ngư dân cùng bắt tay làm ngay thì mới kịp” - bà Sắc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết Việt Nam không dung túng các hành vi tàu cá vi phạm vùng biển các nước và xử lý nghiêm các vi phạm. Chính phủ rất quan tâm khắc phục, xử lý vấn đề này.
Hiệp hội sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh về những trường hợp khai thác hải sản bất hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sau đó chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam xử lý theo quy định.
Ông NGUYỄN HOÀI NAM, Phó Tổng Thư ký VASEP
“Trong thời gian tới, phấn đấu 100% số tàu cá đánh bắt xa bờ của cả nước sẽ được lắp các thiết bị giám sát và bật thiết bị kết nối 24/24 giờ. Bộ cũng đang xây dựng đề án khai thác viễn dương, ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp, đồng thời thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp” - Thứ trưởng Tám thông tin.
Theo ông Tám, việc thực hiện quy định IUU là nhằm tăng cường quản lý nghề cá ở Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. “VASEP cần kiến nghị EU lùi thời hạn ra thẻ vàng đến 31-12-2017 để Việt Nam kịp thời gian đưa vấn đề IUU với Việt Nam vào trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới” - ông Nam nói.
Ngay tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho hay cộng đồng DN hải sản nhất trí đồng lòng chung tay thực hiện nghiêm túc các quy định về IUU. Các DN cũng cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp. Nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định.
Thiệt hại hàng trăm triệu USD
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những quốc gia bị EU phạt thẻ đỏ, thẻ vàng đều chịu những thiệt hại rất lớn về thị trường. Theo đó, những nước bị thẻ vàng mà không cải thiện sẽ đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu hải sản sang EU, tức nhận thẻ đỏ.
Năm 2015, Thái Lan bị phạt thẻ đỏ trong 12 tháng, thiệt hại 200-300 triệu USD. Năm 2016, Đài Loan cũng bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 230 triệu USD. Năm 2014, Philippines bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 250 triệu USD…
Hiện có trên 20 quốc gia bị nhận thẻ vàng từ EU, trong đó chín nước đã tiến hành cải cách và được hủy bỏ cảnh cáo.
Mỹ chuẩn bị áp dụng IUU
Theo VASEP, sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, Việt Nam sẽ có sáu tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu sáu tháng không có cải thiện theo đánh giá của EU sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU. Khi đó DN hải sản bị thiệt hại nặng nề.
Thị trường Mỹ cũng đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác bất hợp pháp (IUU) từ ngày 1-1-2018.
Pháp luật TPHCM