MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động tình trạng giả danh điện lực để lừa đảo

24-05-2022 - 15:01 PM | Kinh tế số

Báo động tình trạng giả danh điện lực để lừa đảo

Tổng Công ty Điện lực TP HCM chỉ có một đầu số là 1900545454, trang web chăm sóc khách hàng https://cskh.evnhcmc.vn/và các kênh ứng dụng app/Zalo CSKH EVNHCMC phục vụ, chăm sóc khách hàng sử dụng điện trên địa bàn

Ngày 23-5, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cảnh báo tình trạng giả danh nhân viên điện lực gọi điện thoại cho khách vì mục đích xấu tiếp tục tái diễn và có chiều hướng gia tăng.

Theo Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHCMC, gần đây trung tâm liên tục nhận được cuộc gọi của khách hàng phản ánh việc nhiều số điện thoại lạ, giả danh nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhân viên EVNHCMC thông báo nợ tiền điện với giá trị lớn hoặc vi phạm sử dụng điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu cung cấp thông tin, đóng tiền… Có trường hợp khách hàng tiếp tục nghe cuộc gọi thì kẻ giả danh yêu cầu bấm số để gặp công an, gặp lãnh đạo ngành điện… (cũng là giả mạo). Nếu khách hàng gọi ngược lại vào các số này thì đều không liên lạc được.

Bên cạnh đó, hiện trên mạng xã hội, một số trang web, kể cả tổng đài mạo danh, cũng đã xuất hiện nhiều số điện thoại không đúng của ngành điện nhưng vẫn tiếp nhận và trả lời các thông tin, thắc mắc về điện của khách hàng nhằm trục lợi phí cước điện thoại. Khi gọi đến các số điện thoại này, khách hàng sẽ bị tính phí rất cao (5.000 - 8.000 đồng/phút) mà không được giải đáp thông tin hoặc giải quyết các yêu cầu về điện.

Báo động tình trạng giả danh điện lực để lừa đảo - Ảnh 1.

Hình ảnh hiển thị tên định danh thương hiệu hoặc số điện thoại của EVNHCMC trên điện thoại của khách hàng. (Ảnh minh họa)

Thậm chí, có trường hợp, đối tượng làm giả thông báo tạm ngưng cung cấp điện (do khách hàng chưa thanh toán tiền điện đúng hạn) của ngành điện nhưng xóa thông tin, xóa số điện thoại, xóa chỉ số tiêu thụ điện… và ghi số điện thoại mạo danh để liên hệ.

Trước vấn đề này, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, khẳng định tất cả cuộc gọi, làm giả số điện thoại, làm giả thông báo như trên đều là giả danh ngành điện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, vi phạm pháp luật. Việc giả danh này không chỉ gây mất tiền người dân mà còn mất an ninh xã hội, mất uy tín ngành điện. "Thông thường, khi cần trao đổi với khách hàng, nhân viên các công ty điện lực khu vực (thuộc EVNHCMC) sẽ liên hệ trực tiếp với các khách hàng qua số điện thoại hoặc email khách hàng đã cung cấp cho ngành điện. Hiện nay, tổng công ty đã phối hợp với nhà mạng Viettel và MobiFone đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi (Voice Brandname) với tên định danh hiển thị là EVNHCMC khi liên lạc với khách hàng. Còn đối với các khách hàng sử dụng thuê bao điện thoại của các nhà mạng khác sẽ hiển thị số điện thoại đại diện là 02822201155" - ông Kiên thông tin.

Để tránh bị lừa đảo, ngành điện TP HCM đề nghị khách hàng nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân khi nhận cuộc gọi của đối tượng nghi ngờ giả danh điện lực nhưng không nói rõ tên hoặc nói không đúng địa bàn quản lý của công ty điện lực, thông báo tiền điện tăng cao bất thường, yêu cầu bấm số gặp công an, nhân viên tư vấn… hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch. Tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mật khẩu hay thực hiện thanh toán tiền điện cho người lạ, không chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho EVNHCMC qua Tổng đài 1900545454 để xác nhận lại thông tin và giúp ngành điện thống kê và báo cáo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

EVNHCMC cũng đề nghị khách hàng sử dụng điện tại TP HCM tải ứng dụng "EVNHCMC CSKH" trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) để thuận lợi cho việc giao dịch và trao đổi thông tin chính thức với ngành điện. Khi có sự thay đổi về địa chỉ, số điện thoại liên hệ, khách hàng truy cập trang web EVNHCMC CSKH hoặc app của tổng công ty để cập nhật, điều chỉnh, giúp việc liên lạc được chính xác, không bị gián đoạn.

Theo Phương An

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên