Báo động tình trạng thư rác độc hại tại châu Á - Thái Bình Dương
Theo Kaspersky, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần 24% tổng số thư rác độc hại được phát hiện trên toàn cầu trong năm 2022.
- 27-08-2022Công ty nào đang thu thập dữ liệu người dùng nhiều nhất?
- 27-08-2022Ứng xử trên mạng xã hội - đề cao chuẩn mực văn hóa, đạo đức
- 27-08-20225 tỷ người trên toàn cầu bị theo dõi và thu thập thông tin cá nhân?
Theo tiết lộ của công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky, có tới hơn 60% số thư điện tử (email) độc hại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã được phát hiện ở 5 quốc gia và vùng lãnh thổ, đó là Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc).
Tính đến giữa tháng 8/2022, Việt Nam đứng đầu danh sách phát hiện nhiều thư rác nhất với tổng số 3,09 triệu, tiếp theo là Malaysia (2,36 triệu), Nhật Bản (1,86 triệu), Indonesia (1,80 triệu) và Đài Loan (1,45 triệu).
Chuyên gia bảo mật cấp cao của Kaspersky Global Research & Analysis, bà Noushin Shabab, nhấn mạnh rằng khu vực APAC chiếm gần 24% tổng số email độc hại toàn cầu được phát hiện trong năm 2022.
Theo chuyên gia bảo mật của Kaspersky, 3 yếu tố chính bao gồm quy mô dân số, mức độ sử dụng các dịch vụ điện tử và việc phong tỏa do COVID-19 đã dẫn tới phần lớn các thư rác nhắm mục tiêu đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kaspersky nêu rõ, việc sử dụng rộng rãi các dịch vụ trực tuyến như mua sắm trực tuyến và các nền tảng trực tuyến khác trong các hoạt động thường nhật tại khu vực cũng khiến cho các cá nhân dễ trở thành nạn nhân của thư rác độc hại.
Việc đại dịch đã dẫn đến các lệnh hạn chế đi lại, tạo điều kiện cho môi trường làm việc từ xa và đa số nhân viên đều mang máy tính về làm việc tại nhà. Tuy nhiên, mạng gia đình thường ít có khả năng bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng.
Chuyên gia cũng lưu ý rằng, những email độc hại này chủ yếu do tội phạm mạng gửi tới dưới dạng email hàng loạt để tiếp cận nhiều người dùng hơn, với mục đích kiếm lợi về tài chính.
Việc theo dõi trong thời gian dài của Kaspersky đối với các mối đe dọa dai dẳng hiện nay tại khu vực APAC cho thấy rằng, phần lớn những kẻ tấn công mạng này sử dụng phương thức lừa đảo có mục tiêu, được gọi là lừa đảo trực tuyến, để thâm nhập vào các hệ thống của một tổ chức.
VTV News