Báo Đức: Du lịch nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ 2 yếu tố chủ chốt
Ngành du lịch Việt Nam thời gian qua được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận và khả năng chi trả tốt hơn của các hãng hàng không giá rẻ. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng hàng không là "chìa khóa" cho quá trình mở rộng của các hãng, cũng như tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng du lịch của đất nước.
- 03-05-2021Thu hút FDI tại Đồng Nai, Hà Nội, Tiền Giang, TP. HCM ra sao trong 4 tháng đầu năm?
- 02-05-2021Người dân trở lại Hà Nội sau nghỉ lễ 30/4 và 1/5 buộc phải khai báo y tế
- 02-05-2021Chuyên gia kinh tế lý giải việc doanh nghiệp thâm dụng lao động tại Việt Nam và các nước ASEAN khác ít bị tác động bởi cú sốc địa chính trị
Mới đây, trang tin tài chính Finanzen.net (Đức) nhấn mạnh, Việt Nam đã nổi lên mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Với dân số cao, ở mức khoảng 97 triệu người, Việt Nam vẫn có khả năng kiềm chế đại dịch nhanh chóng hơn so với nhiều nước phát triển.
Ông James Johnstone, Giám đốc phụ trách thị trường mới nổi và thị trường cận biên của RWC Partners nhận định, từ năm 2010, Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi thành công từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế dựa trên sản xuất và dịch vụ.
Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy nhờ hoạt động sản xuất hàng điện tử và dệt may. Ông James Johnstone khẳng định: "Có rất nhiều lý do để quỹ chúng tôi nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu Việt Nam trong danh mục đầu tư vào thị trường cận biện".
Năm 2020, điện thoại thông minh và các linh kiện chiếm tới 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là máy tính với 15,8% và hàng dệt may với 10,5%. Song, du lịch cũng là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hơn 1/3 GDP được tạo ra từ các ngành dịch vụ, trong đó bao gồm khách sạn, nhà hàng và vận tải.
Mặc dù những biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đã tác động đáng kể đến ngành du lịch, nhưng nhìn chung Việt Nam đã khẳng định vị thế khi đạt tốc độ phục hồi nhanh đáng kể so với các nước khác trong khu vực. Điều này chủ yếu nhờ lượng khách du lịch trong nước, đồng thời xu hướng này sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2007, du lịch chỉ đóng góp 4,5% cho GDP của đất nước thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 12,5%. Kết quả này là do phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào du lịch, tiếp sau là các ngành công nghiệp nặng và phát triển đô thị.
Năm 2019, du lịch Việt Nam đã thu hút khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó, năm 2000, con số này chỉ là 2,1 triệu. Doanh thu toàn ngành du lịch Việt Nam trong năm 2019 đạt 30 tỷ USD. Với mức tăng 16,2% so với năm trước đó, năm 2019 được đánh giá là một trong những năm mà ngành du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh nhất cho tới nay.
Đáng chú ý, ngành du lịch năm 2019 được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận và khả năng chi trả tốt hơn của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng sân bay được cải thiện đã tạo tiền đề cho thị trường hàng không Việt Nam phát triển. Cơ sở hạ tầng hàng không là "chìa khóa" cho quá trình mở rộng của các hãng hàng không, cũng như tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng du lịch.
Ngoài 2 sân bay quan trọng là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, Việt Nam cũng đã phê duyệt và đang xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, một sân bay quốc tế lớn ở Đồng Nai, gần TP. HCM và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp đã rút ngắn thời gian di chuyển, giúp du khách có nhiều trải nghiệm hơn. Chẳng hạn, trong quá khứ, thường phải mất 4-5 tiếng đi từ Hà Nội đến Vịnh Hạ Long thì hiện nay chỉ cần 2 tiếng, nhờ việc xây dựng một đường quốc lộ từ năm 2018.
Chính quyền tỉnh Đồng Nai có kế hoạch xây dựng 5 tuyến đường mới dẫn vào sân bay quốc tế Long Thành, với tổng số vốn xây dựng trị giá 14 tỷ USD. Do vị trí địa lý của Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, đường hàng không thường được ưa chuộng hơn, song việc cải thiện hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của ngành vận tải và các ngành dịch vụ khác.
Sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ trong nước và khu vực cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam. Đối với du khách quốc tế, Việt Nam có vị trí thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, nơi các hãng hàng không có máy bay thân hẹp từ Hà Nội hoặc TP. HCM có thể bay đến hầu hết các địa điểm quan trọng ở Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ trong khoảng 5 giờ đồng hồ.