Bảo hộ nhãn hiệu dâu tây Đà Lạt để ngăn hàng Trung Quốc
Đặc sản dâu tây Đà Lạt sẽ được bảo hộ nhãn hiệu trước việc dâu tây Trung Quốc liên tục đội lốt dâu tây Đà Lạt bán với giá cao, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu dâu tây Đà Lạt.
Người Nhật trồng dâu tây sạch thành công tại Đà Lạt Độc đáo vườn dâu tây treo ở Đà Lạt Dâu tây Trung Quốc đội lốt dâu Đà Lạt tràn phố Hà Nội
Ngày 14-4, tin từ UBND TP Đà Lạt cho biết, trước tình trạng thương hiệu dâu tây Đà Lạt bị xâm hại nghiêm trọng trong những năm qua, cơ quan này đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng hoàn thiện hồ sơ để trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ cho dâu tây Đà Lạt.
Theo thống kê, hiện mỗi năm Đà Lạt có khoảng 120ha dâu tây, trong đó có một diện tích lớn đã được trồng theo mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Sản lượng dâu tây Đà Lạt hằng năm đạt 1.400 tấn.
Nhiều năm qua, mỗi khi dâu tây Đà Lạt có giá cao, các thương lái lại nhập dâu tây Trung Quốc về bán tràn lan trên thị trường cùng lời giới thiệu “Dâu tây Đà Lạt”, bán với giá cao khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Hành vi gian lận này đã ảnh hưởng xấu tới uy tín, chất lượng, thương hiệu dâu tây Đà Lạt.
Khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”, người sản xuất, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm liên quan đến dâu tây tại Đà Lạt và các huyện lân cận sẽ được gắn nhãn hiệu bảo hộ để phân biệt với các loại dâu tây sản xuất ở những nơi khác.
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã tới Đà Lạt và huyện Lạc Dương đầu tư trồng dâu tây theo mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Dâu tây Đà Lạt giá bán tại vườn cao nhất được ghi nhận đến thời điểm này là 400.000 đồng/kg, thuộc về chi nhánh Công ty TNHH MTV Create Star Việt Nam tại Lâm Đồng, thuộc tập đoàn Hoshina Group (Nhật Bản).
Công an nhân dân