Báo Trung Quốc nói lý do Mỹ bỏ lỡ "thời cơ vàng" kiểm soát COVID-19 dù hành động rất sớm
Mất 54 ngày, kể từ khi ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 1/12/2019, cho đến khi thành phố này được phong tỏa hoàn toàn ngày 23/1/2020.
Tại Mỹ, chính quyền tổng thống Donald Trump cũng mất 54 ngày, kể từ khi ca bệnh người Mỹ đầu tiên được phát hiện ở Seattle ngày 20/1, cho đến khi ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước ngày 13/3.
Nhưng sự tương đồng giữa hai nước chỉ đến được đây.
Caixin Global (Trung Quốc) đánh giá, trong khi Trung Quốc tổng động viên 1,4 tỉ dân trong vòng 2 tháng qua để đẩy lùi đại dịch COVID-19 , trong khi chính phủ Mỹ hứng chỉ trích vì cách phản ứng bối rối, ngay cả khi họ có ưu thế hơn so với Bắc Kinh.
Sau khi nhanh chóng áp đặt quy định hạn chế đi lại vào đầu tháng 1, những nỗ lực phòng chống dịch của chính phủ Mỹ bắt đầu chững lại. Theo Caixin, cách thức xử lý dịch bùng phát tại bờ Tây nước Mỹ (chỉ các ca lây nhiễm tại "ổ dịch" viện dưỡng lão Life Care ở bang Washington) và trên một du thuyền cho thấy giới chức Mỹ không rút ra được bài học từ những tình huống tương tự tại châu Á.
Phàn nàn về việc thiếu hụt xét nghiệm, khan hiếm khẩu trang cùng vật tư y tế khác, cũng như các bình luận không nhất quán của chính quyền Trump xoay quanh tình hình dịch COVID-19 đã châm ngòi cho bất ổn và hoang mang.
Biến động tại phố Wall thời gian qua hé lộ sự suy giảm lòng tin của nhà đầu tư đối với phản ứng của chính phủ. Tháng trước, chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục 3386.15 vào ngày 12/2. Nhưng đến nay, tất cả các chỉ số then chốt của thị trường đã mất hơn 20% giá trị so với mức đỉnh gần đây, đưa các cổ phiếu vào thị trường gấu.
(Ảnh: VCG)
Người tiêu dùng Mỹ tại nhiều nơi bắt đầu tích trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm và các sản phẩm vệ sinh sát trùng để tự bảo vệ trước dịch bệnh lan rộng. Điều này gây ra tình trạng khan hiếm mặt hàng giấy vệ sinh và nước rửa tay sát khuẩn. Nhiều hoạt động công cộng bị hủy bỏ - từ hội chợ sách, hoạt động của nhà thờ, hay hội thảo kinh tế, cùng các sự kiện thể thao.
Trong khi đó, Caixin cho rằng các biện pháp ngăn ngừa và cách ly được thực thi tương đối hạn chế và không thống nhất trên cả nước Mỹ. Chính phủ liên bang từ chối đình chỉ ngành công nghiệp du thuyền đang có rủi ro cao. Quyền quyết định cách thức ngăn chặn virus chủ yếu được trao cho các bang và giới chức địa phương.
Hạt Sacramento ở California thậm chí đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly tự động 14 ngày đói với những người có tiếp xúc gần với các ca xác nhận nhiễm COVID-19, thay vào đó chính quyền bản địa cho biết sẽ tập trung vào giảm thiểu tác động của dịch. Cơ quan y tế của hạt King, bang Washington, cũng có chính sách tương tự khi khuyến cáo người dân ở nhà nếu bị ốm.
Theo Zhang Zuofeng, hiệu trưởng Trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA), chiến lược ứng phó COVID-19 của Mỹ về cơ bản tương đồng với cách tiếp cận trong dịch cúm H1N1 năm 2009 và cúm gia cầm H7N9 năm 2013, đó là tập trung chăm sóc nhóm người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.
Những biện pháp phản ứng của Mỹ hiện nay có phải là đã muộn, và điều gì cần phải thực hiện? Theo các chuyên gia y tế cộng đồng, câu trả lời tùy thuộc vào năng lực xét nghiệm mới được nâng cao tại Mỹ sẽ hé lộ mức độ lây lan thực sự của dịch COVID-19 tại nước này trong vài tuần tới đây.
Tính đến thứ Bảy, 14/3 (giờ địa phương), nước Mỹ đã báo cáo 2.330 ca lây nhiễm và 50 người tử vong - đứng thứ 8 trong số các nước bị ảnh hưởng bởi dịch trên thế giới, và các chỉ số vẫn thấp hơn nhiều so với Iran và Italy, hai nước bị COVID-19 tác động nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc Đại lục.
Tuy nhiên, thực tế là cho đến ngày 11/3, chỉ có 300-500 xét nghiệm được thực hiện trên toàn nước Mỹ mỗi ngày.
Các nhân viên y tế kiểm tra tình trạng người lái xe tại một trạm kiểm tra drive-thru ở bang Colorado, ngày 12/3/2020 (Ảnh: Bloomberg)
Năng lực xét nghiệm bị hạn chế làm dấy lên nghi vấn rằng có một lượng lớn người bị lây nhiễm tại Mỹ chưa được xác nhận. Trong khi phần lớn các địa phương ở Mỹ mới chỉ bắt đầu hạn chế các hoạt động tụ tập đông người và đóng cửa trường học, số ca lây nhiễm được báo cáo nhiều khả năng chỉ là "phần nổi của tảng băng" về tình trạng thực sự của dịch bệnh.
Mỹ phản ứng sớm nhưng chậm
Caixin cho hay, Mỹ nằm trong số quốc gia đầu tiên phản ứng với dịch COVID-19 từ đầu tháng 1/2020. Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã ban hành cảnh báo mức độ 1 vào ngày 6/1, thúc giục công dân Mỹ thận trọng khi di chuyển tới Vũ Hán. CDC cũng bắt đầu sử dụng máy soi chụp hành khách đến từ Vũ Hán tại ba sân bay từ ngày 17/1.
Ba ngày sau đó, bang Washington xác nhận ca COVID-19 đầu tiên là người đàn ông trở về từ Vũ Hán. Bệnh nhân này hồi phục sau khi được điều trị bằng thuốc remdesivir và xuất viện ngày 3/2.
Gần hai tuần sau đó, chính quyền Trump thông báo dịch COVID-19 là một sự kiện khẩn cấp đối với y tế cộng đồng và ban hành quy định cấm nhập cảnh với du khách từng đến Trung Quốc trong 14 ngày gần nhất, và yêu cầu cách ly với công dân Mỹ đã đến tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là sắc lệnh cách ly đầu tiên mà chính phủ liên bang Mỹ đưa ra trong hơn 50 năm.
Các nhà nghiên cứu Jennifer Bouey và Courtney Gidengil của Rand Corp. nói với Caixin, những biện pháp ngăn chặn như trên chỉ có thể giúp nhà chức trách có thêm thời gian cho công tác ứng phó dịch, và khoảng thời gian này cần được sử dụng khôn ngoan để sẵn sàng cho khả năng dịch lây lan ở hầu hết các địa phương. Song điều này đã không được thực hiện tốt cho đến khi Trump ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước và giải phóng nguồn lực 50 tỉ USD để chống lại đại dịch.
Quyết định trên đã vãn hồi thị trường chứng khoán và vực dậy sau khi có "ngày tồi tệ nhất" trong hơn 30 năm.
"Để giải phóng toàn bộ sức mạnh của chính phủ liên bang, tôi chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia," Trump phát biểu từ Nhà Trắng lúc 15h30 chiều ngày 13/3.
Lãnh đạo các hãng bán lẻ và dược phẩm lớn nhất nước Mỹ đã cam kết sẽ hỗ trợ thiết lập các trạm kiểm tra dạng drive-through nhằm "gia tăng đáng kể khả năng xét nghiệm".
Vài giờ sau quyết định trên, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật vào nửa đêm 13/3, cho phép người dân xét nghiệm COVID-19 miễn phí và những người lao động phải nghỉ phép do nhiễm bệnh vẫn được chi trả lương. Gói giải pháp mới là bước hành động tiếp theo sau khi Quốc hội Mỹ duyệt ngân sách 8.3 tỉ USD chống dịch hồi tuần trước.
Bi kịch từ viện dưỡng lão
Bang Washington - nơi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện - là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 tại Mỹ, với số ca nhiễm nhiều nhất cùng khoảng 2/3 số ca tử vong. Trong số 35 ca tử vong tại bang này tính đến ngày 14/3, có 17 trường hợp liên quan đến viện dưỡng lão Life Care ở Kirkland - một một cơ sở chăm sóc và điều dưỡng dài hạn nằm cách trung tâm thành phố Seattle khoảng 30km.
Theo Caixin, tình trạng xảy ra ở Trung tâm Life Care là bức tranh thu nhỏ cho thấy thất bại trong việc tiến hành xét nghiệm kịp thời có thể đã khiến nước Mỹ bỏ lỡ "khung cửa hẹp" để ngăn chặn virus corona mới (SARS-Cov-2) lây lan trong cộng đồng.
Cơ sở dưỡng lão kể trên có 108 cư dân và 180 nhân viên. Các ca tử vong của người cao tuổi tại đây đã được báo cáo từ ngày 19/2, nhưng quá trình xét nghiệm cho tất cả người lưu trú vẫn chưa được hoàn thành tính đến hôm 14/3. Một số người đã tử vong tại viện dưỡng lão trước khi được nhập viện, và phần lớn chỉ được xác nhận nhiễm COVID-19 sau khi tử vong, do tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm vào giai đoạn đầu dịch bùng phát ở Mỹ.
Cơ quan y tế cộng đồng hạt King - nơi Trung tâm Life Care tọa lạc - ngày 14/3 cho biết toàn bộ 95 người lưu trú còn lại ở viện dưỡng lão này đã được xét nghiệm, trong đó có 47 ca dương tính với virus corona và 5 người đang đợi kết quả.
Ác mộng du thuyền
Caixin Global nhận xét, cách thức chính phủ Mỹ xử lý việc virus corona lây lan trên các du thuyền cho thấy nước này không rút ra được bài học từ châu Á.
Ngày 6/3, 21 người trên du thuyền Grand Princess ở ngoài khơi San Francisco, bang California, có kết quả dương tính với virus corona. Sau khi mắc kẹt trên tàu nhiều ngày, hơn 3.500 người với khoảng 50 quốc tịch khác nhau đã được cho phép lên bờ để cách ly tại khách sạn và căn cứ quân sự.
Chỉ một số nhân viên hướng dẫn hành khách được mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang. Một số hành khách không bị bắt buộc xét nghiệm COVID-19. Giới chức y tế chức địa phương cho biết các cơ sở xét nghiệm ở California đã chạy hết công suất và không thể xét nghiệm cho toàn bộ hành khách.
Đây là du thuyền thứ hai của hãng vận hành Princess Cruises Inc. - có trụ sở tại Mỹ - có nhân viên và hành khách bị lây nhiễm virus corona. Trước đó, hơn 700 người trên du thuyền Diamond Princess - cách ly ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản - đã bị xác nhận dương tính với virus vào đầu tháng 2.
Bất chấp tình trạng này, sau cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành vào hôm 7/3, phó tổng thống Mỹ Mike Pence - người đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nhà Trắng, chỉ yêu cầu tăng cường hệ thống soi chụp hành khách tại các cảng khẩu, nhưng vẫn cho phép các du thuyền vận hành một cách bình thường.
Cảng du thuyền lớn nhất thế giới tại Miami vẫn nhộn nhịp du khách. Du thuyền Norwegian Sky do hãng Norwegian Cruise Line vận hành, chở theo hàng nghìn hành khách, đã ra khơi từ ngày 9/3.
Du thuyền Norwegian Sky (Ảnh: Bloomberg)
Kìm hãm mà không cách ly
Với quỹ giường bệnh cùng các nguồn lực y tế hạn chế ở Mỹ, việc cách tại nhà đã trở thành chiến lược ưu tiên đối với người Mỹ có triệu chứng lây nhiễm nhẹ. Giáo sư Zhang của UCLA nhận định, do mặt bằng chung mật độ dân cư phân bố thấp, giải pháp cách ly tại nhà có thể cho hiệu quả tốt hơn so với Trung Quốc.
Mỹ có khoảng 4.500 giường bệnh thuộc các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU), và có thể được nâng cấp lên khoảng 95.000 giường trong thời kỳ khủng hoảng. Các bệnh viện của Mỹ hiện đã vận hành đến khoảng 95% công suất hoặc hơn - Giám đốc CDC Robert Redfield báo cáo trước Quốc hội Mỹ hôm 10/3.
Các chuyên gia y tế ước tính khoảng 200.000 người Mỹ sẽ cần đến các bộ phận ICU khi dịch bệnh bùng phát ở "tầm trung". Báo cáo gần đây của Trung tâm an ninh y tế Đại học John Hopkins (mỹ) cho biết có khoảng 160.000 máy thở sẵn sàng phục vụ bệnh nhân. Dù con số này là đáng kể, một lượng không nhỏ thiết bị hiện đã được dùng để điều trị bệnh nhân cúm, và đại dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng có thể làm quá tải nguồn lực thiết bị này.
Amesh A. Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH John Hopkins nêu ví dụ về dịch H1N1 năm 2009, cho hay: "Các bệnh viện chịu sức ép lớn, nhưng chúng tôi chưa rơi vào tình huống không còn giường bệnh nào."
Theo ông Adalja, chưa thể xác định đến cuối cùng Mỹ sẽ cần đến bao nhiêu giường bệnh để đáp ứng bệnh nhân COVID-19, song việc tận dụng nguồn giường bệnh bằng cách quản lý chủ động lưu lượng bệnh nhân lây nhiễm có thể là một phần giải pháp thích hợp.
Chuyên gia Mỹ cảnh báo, diễn biến của dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay đang cho thấy xu thế khó ngăn chặn.
"Không có hành động cụ thể nào từ phía Mỹ có thể ngăn chặn virus [corona]," ông Adalja nói. "Sức ép đã dồn lên sự sẵn sàng về dược phẩm, bệnh viện, sự gia tăng [năng lực] xét nghiệm, phát triển vắc xin, thử nghiệm kháng virus, và trao đổi về y tế cộng đồng."
Trí thức trẻ