Báo Trung Quốc phân tích lý do điều hòa Nhật Bản luôn thống trị thị trường quốc tế, còn hàng 'nội địa' thì không
Trang tin 163 của Trung Quốc mới đây đã có bài viết phân tích thực trạng ngành điều hòa của nước này, khi liên tiếp vướng vào các nghi vấn kỹ thuật và chưa thể tạo được chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế. Liệu đã đến lúc các doanh nghiệp Trung Quốc cần thay đổi tư duy để phát triển bền vững?
- 01-07-2024Nên bật điều hòa ít nhất bao lâu rồi mới tắt đi? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai
- 29-06-2024Bật điều hòa thoải mái mà vẫn tiết kiệm tiền nhờ món đồ ai cũng biết nhưng ít dùng
- 28-06-2024Người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn điều hòa inverter thương hiệu Thái Lan
Theo đó, trên thị trường điều hòa Trung Quốc, các thương hiệu nội địa đã chiếm ưu thế gần 30 năm. Tuy nhiên, ẩn sau sự thống trị đó là những tranh cãi về mặt kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ biến tần. Dù nhiều lần khẳng định công nghệ máy nén biến tần đã tiệm cận trình độ Nhật Bản, thực tế dường như lại cho thấy điều ngược lại.
Nhiều video "bóc mẽ" trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy, máy nén biến tần của một số dòng điều hòa cao cấp nội địa thực chất lại đến từ các ông lớn Nhật Bản như Toshiba, Mitsubishi, Panasonic... Trong khi đó, chỉ có các dòng điều hòa trung và thấp cấp mới sử dụng máy nén biến tần nội địa. Điều này khiến người tiêu dùng Trung Quốc không khỏi nghi ngờ về năng lực tự chủ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước.
Giới chuyên gia cho rằng, máy nén biến tần của Nhật Bản thực sự tiết kiệm điện hơn và kiểm soát nhiệt độ chính xác hơn. Đây chính là lý do khiến nhiều hãng điều hòa cao cấp nội địa lựa chọn sử dụng sản phẩm của Nhật Bản. Bởi lẽ, với phân khúc khách hàng cao cấp, trải nghiệm thoải mái là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Gần đây, cuộc chiến giá cả trong ngành điều hòa tại Trung Quốc diễn ra vô cùng khốc liệt. Mức giá thấp nhất của điều hòa nội địa đã giảm xuống dưới 1.000 NDT (khoảng 3,4 triệu VNĐ), chỉ còn 999 NDT (khoảng 3,4 triệu VNĐ), mức giá thấp kỷ lục kể từ năm 2019. Điều này một phần xuất phát từ việc các doanh nghiệp internet tham gia thị trường, với tham vọng sử dụng lợi thế về giá để thay đổi cuộc chơi.
Cuộc chiến giá cả khốc liệt khiến các doanh nghiệp điều hòa Trung Quốc liên tục công kích lẫn nhau, từ đó phơi bày những bí mật trong việc cắt giảm chi phí sản xuất. Điển hình như việc sử dụng máy nén không rõ nguồn gốc, hay thay thế ống đồng bằng ống nhôm, ống sắt. Mặc dù giúp giảm giá thành sản phẩm, nhưng đồng thời cũng khiến hiệu suất làm lạnh suy giảm, tuổi thọ điều hòa giảm sút nhanh chóng.
Có ý kiến cho rằng, chính cuộc chiến giá cả triền miên là nguyên nhân khiến ngành điều hòa tại Trung Quốc khó lòng đổi mới về mặt kỹ thuật. Gần 30 năm kể từ khi thống lĩnh thị trường, các doanh nghiệp điều hòa nội địa liên tục đối mặt với áp lực về giá, lợi nhuận ngày càng thu hẹp. Để đảm bảo dòng tiền, họ không dám mạnh tay đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thay vào đó, họ dường như tập trung quá nhiều vào marketing, với những chiến dịch quảng bá rầm rộ. Bởi lẽ, so với việc đầu tư cho R&D cần thời gian dài mới thu hồi vốn, marketing mang lại hiệu quả nhanh chóng và dễ dàng thu lợi nhuận hơn.
Trong khi đó, các thương hiệu Nhật Bản dường như không mấy bận tâm đến cuộc chiến giá cả này. Điều hòa Panasonic vẫn giữ mức giá thấp nhất khoảng 2.900 NDT (khoảng 9,9 triệu VNĐ), còn Daikin là trên 4.000 NDT (khoảng 13,6 triệu VNĐ), đắt hơn nhiều so với mức giá chỉ từ 1.000 NDT (khoảng 3,4 triệu VNĐ) của điều hòa nội địa. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản người tiêu dùng lựa chọn điều hòa Nhật Bản, bởi họ tin tưởng vào chất lượng, khả năng tiết kiệm điện và độ bền của sản phẩm.
Ở cuối bài viết, trang tin 163 kết luận: Với lợi thế sân nhà gần 30 năm, các doanh nghiệp điều hòa Trung Quốc cần thay đổi tư duy, chú trọng hơn vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực công nghệ. Bởi lẽ, khi bước ra thị trường quốc tế, luật sở hữu trí tuệ sẽ khắt khe hơn rất nhiều. Muốn cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế, điều hòa nội địa Trung Quốc không thể mãi dựa vào cuộc chiến giá rẻ, mà phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh bền vững bằng chính chất lượng sản phẩm và công nghệ cốt lõi.
Đời sống Pháp luật