MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Trung Quốc: Số công ty Hoa Kỳ coi Việt Nam là lựa chọn cung ứng hàng đầu tăng gấp đôi, xu hướng có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021

Ảnh: Bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Các công ty Mỹ và châu Âu đang dần giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường và nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Được coi là một trong số những phương án thay thế cho Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam duy trì được vị trí của mình trong suốt năm 2020 đầy biến động, South China Morning Post nhận định.

Mặc dù Trung Quốc đã phục hồi tương đối mạnh mẽ sau đại dịch, và kiểm soát dịch nhanh hơn nhiều so với phương Tây, thì xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc trong dài hạn cũng đang tiếp tục, theo một cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 700 công ty trên khắp thế giới vào tháng Ba.

Vào năm 2019, 96% các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ và 100% các công ty có trụ sở tại châu Âu đã bình chọn Trung Quốc là một trong ba quốc gia cung ứng hàng đầu của họ, nhưng niềm tin của các công ty Hoa Kỳ và châu Âu với Trung Quốc đã lần lượt giảm xuống còn 77% và 80% trong quý đầu tiên của năm nay, theo Qima, một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng, bên thực hiện cuộc khảo sát.

Vốn đã bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc như một thị trường và nguồn cung ứng đối với những người mua phương Tây lại tiếp tục chịu thêm một cú hích nữa vào đầu năm 2020, sau đợt bùng phát Covid-19 và các đợt phong tỏa.

Song, ngay cả khi các công ty Hoa Kỳ và châu Âu đang giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thì Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu về nguồn cung ứng. Đối với các doanh nghiệp bên ngoài Trung Quốc nói chung, hơn 85% số công ty được hỏi đã liệt kê Trung Quốc là một trong ba thị trường tìm nguồn cung ứng hàng đầu cho đồ điện tử và đồ chơi.

Báo cáo cho biết: "Điều này cho thấy rằng, bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, các công ty Âu - Mỹ vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là một trong những đối tác sản xuất quan trọng nhất của họ, và mong muốn duy trì kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp Trung Quốc".

Cần lưu ý rằng, niềm tin này cũng nhờ có việc kiểm soát hiệu quả của Trung Quốc đối với đại dịch. Bên cạnh đó, các yếu tố khác bao gồm "lịch sử hợp tác lâu dài", "thành tích tốt về chất lượng so với các địa phương khác" và "tiến bộ của Trung Quốc trong việc tuân thủ đạo đức so với các khu vực đang phát triển" cũng cộng điểm cho Trung Quốc trong lòng các công ty.

Được coi là một trong những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã duy trì được vị trí của mình trong suốt năm 2020 đầy biến động. Vào đầu năm 2021, Việt Nam được 25% số công ty được hỏi trên toàn cầu vinh danh là thị trường cung ứng hàng đầu. 

Trước Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một số công ty Trung Quốc, đặc biệt trong ngành dệt may, đã chuyển đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam, và nhiều nhà sản xuất từ ​​các ngành khác nhau đã chuyển đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu.

Trong khi đó, Ấn Độ, vốn được coi là cường quốc dệt may và hiện đang chật vật với Covid-19, cũng được cho là một trong những đối tác cung ứng hàng đầu cho ít nhất một phần ba số công ty được hỏi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kính mắt, đồ trang sức, phụ kiện thời trang và giày dép.

Việt Nam đặc biệt phổ biến với các doanh nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ, vì tỷ lệ công ty Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong ba khu vực cung ứng hàng đầu của họ đã tăng gần gấp đôi trong bốn năm qua, đạt 43% vào đầu năm 2021.

Và ở châu Âu, 25% số công ty được hỏi đã liệt kê Việt Nam nằm trong số ba quốc gia có nguồn cung ứng hàng đầu của họ trong quý đầu tiên, thấp hơn 15 điểm phần trăm so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn 11% vào năm 2019.

Trong số tất cả các công ty đã chuyển sang các nhà cung cấp ở nơi khác vào năm ngoái, để tránh ảnh hưởng đại dịch và các rủi ro khác, gần một phần ba cho biết Việt Nam nằm trong số các lựa chọn hàng đầu của họ. Đối với các công ty Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn 40%.

Và xu hướng đó có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Trong số những công ty được hỏi có ý định tìm kiếm các nhà cung cấp mới trong 12 tháng tới, 38% công ty Hoa Kỳ và 28% công ty châu Âu được khảo sát cho biết có kế hoạch chuyển một số nguồn cung ứng của họ sang Việt Nam, hoặc mua thêm từ các nhà cung cấp hiện có ở đó.

Đồng thời, các doanh nghiệp không đổ về Trung Quốc một cách ồ ạt. Chỉ 6% và 11% các thương hiệu có trụ sở tại Hoa Kỳ và EU nói rằng họ đã tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc.

Các công ty Hoa Kỳ cũng tỏ ra mâu thuẫn về nguồn cung ứng của Trung Quốc trong tương lai. Trong khi khoảng một phần ba trong số họ có kế hoạch mua nhiều hơn từ các nhà cung cấp Trung Quốc vào năm 2021, thì cũng nhiều công ty có kế hoạch ngừng mua hàng từ Trung Quốc hoàn toàn.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa kế hoạch và hành động. Trong cuộc khảo sát của Qima, 73% số công ty được hỏi trên toàn cầu cho biết họ có kế hoạch tìm kiếm các nhà cung cấp mới vào năm 2020, nhưng chỉ 38% trong số họ thực sự thực hiện được các kế hoạch đó. Đối với các thương hiệu có trụ sở tại Hoa Kỳ, 93% trong số họ đã công bố kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng vào đầu năm 2020, nhưng chỉ 49% thực hiện được.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên