MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bắt bệnh' cụm công nghiệp ế ẩm ở Kon Tum

Dù được đầu tư hạ tầng, công nghệ bài bản nhưng một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tại Kon Tum chưa hoạt động nhiều năm qua, gây lãng phí nghiêm trọng tài nguyên vốn có.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 KCN Hòa Bình và Sao Mai (cùng TP Kon Tum); 5 CCN và khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) đang hoạt động.

Tính đến nay, tại các KCN, KKT này thu hút 104 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2.740 tỷ đồng, số vốn đã thực hiện đạt 1.453 tỷ đồng; các CCN cũng thu hút 43 dự án từ các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đầu tư (có 28 dự án đang hoạt động).

'Bắt bệnh' cụm công nghiệp ế ẩm ở Kon Tum- Ảnh 1.

Được đầu tư từ lâu nhưng toàn bộ đất quy hoạch cụm công nghiệp Kon Plông vẫn đang là rừng

Trước đây, các KKT, KCN, CCN tỉnh Kon Tum được đánh giá có tiềm năng cao trong thu hút các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư. Tuy nhiên, mới đây, đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân tỉnh Kon Tum kiểm tra công tác quy hoạch, đầu tư ở các KKT, KCN và CCN trên địa bàn, đã phát hiện nhiều điểm nghẽn, gây lãng phí nghiêm trọng tài nguyên tại đây.

Cụ thể, hằng năm, DN tại các KKT, KCN nộp ngân sách nhà nước khoảng 76,5 tỷ đồng, còn DN tại CCN nộp ngân sách khoảng 2,9 tỷ đồng. Theo đánh giá của đoàn giám sát, so với tiềm năng và nguồn vốn nhà nước bỏ ra đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các DN đầu tư tại các KKT, KCN, CCN và đóng góp cho ngân sách còn thấp.

Tỉnh Kon Tum hiện có 6 CCN được thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động. Kon Tum từng đề xuất Trung ương điều chỉnh giảm quy mô KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y từ 70.438ha xuống còn 16.000ha và việc này kéo dài từ năm 2014 đến nay chưa hoàn thành xong; Quỹ đất 100ha tại KCN Đăk Tô (huyện Đăk Tô) chưa thu hút đầu tư, gây lãng phí nguồn lực về đất đai .

Trong khi đó, CCN Đăk La chỉ có 7 DN thuê đất, đạt tỷ lệ hơn 37% diện tích. Đối với CCN Kon Plông (huyện Kon Plông), đã thực hiện đầu tư đường, hệ thống điện, nước, rà phá bom mìn với tổng phí hơn 4,1 tỷ đồng, tuy nhiên cụm này đến nay cũng chưa đi vào hoạt động.

'Bắt bệnh' cụm công nghiệp ế ẩm ở Kon Tum- Ảnh 2.

Hiện cụm công nghiệp Đăk La chỉ có 7 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ hơn 37% diện tích

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà (quản lý CCN Đăk La) cho hay, từ khi được giao quản lý đến nay, ban không có nguồn thu nào từ các DN đang hoạt động tại CCN, trong khi lại phải chịu thêm chi phí vận hành công trình xử lý nước thải tập trung của CCN Đăk La.

Đơn cử, công trình xử lý nước thải đầu tư năm 2021, vốn đầu tư là 20,4 tỷ đồng, quy mô 500m3/ngày đêm. Thế nhưng, chỉ có 1/7 DN sử dụng công trình này. Do lượng nước thải quá ít, không đủ tính tiền, nên đơn vị quản lý không thu được tiền xử lý nước thải. Hiện mỗi tháng, nếu hệ thống xử lý nước thải hoạt động, Ban quản lý phải mất từ 17-22 triệu đồng chi phí vận hành.

Liên quan đến việc CCN Kon Plông được đầu tư bài bản nhưng cũng chưa đi vào hoạt động, ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Vị trí CCN Kon Plông nằm gần trung tâm thị trấn Măng Đen , nhưng rất ít người biết về sự tồn tại của nó. Trừ một số tuyến đường đã làm nhiều năm, còn toàn bộ đất quy hoạch CCN đang là rừng. Hiện huyện đang điều chỉnh quy hoạch và sẽ xây dựng tại vị trí mới, ở 2 xã Măng Cành và Hiếu”.

Đả thông điểm nghẽn

Trước những bất cập trên, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, liên quan thường xuyên thông tin, báo cáo tình hình, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong các KKT, KCN, CCN; chỉ đạo các cơ quan có liên quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để ngay sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt có thể thực hiện ngay các quy trình, thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm diện tích KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; đẩy nhanh tiến độ đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch, tiến hành các thủ tục cần thiết để thành lập, phát triển KCN dược liệu tại Đăk Tô.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Quốc Trung, Giám đốc BQLKKT tỉnh Kon Tum khẳng định, hiện tại điểm khó nhất đối với KCN, KKT và CCN là công tác thu hút đầu tư. Bởi trên địa bàn tỉnh chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên việc phát triển các KCN, KKT và CCN còn chậm, hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.

“Bên cạnh đó, tiềm lực của DN, nhất là vốn, tài chính, công nghệ và năng lực cạnh tranh còn một số hạn chế nhất định. Đa số DN có quy mô vừa và nhỏ. Đáng chú ý, công tác bồi thường , giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc thiếu quỹ đất sạch để giới thiệu cho các nhà đầu tư’, ông Trung nói.

Ông Trung cho biết thêm, sau khi Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 16/1/2024), tỉnh Kon Tum sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất còn lại tại KCN Sao Mai.

Trên cơ sở đó thực hiện công khai quỹ đất và tổ chức kêu gọi, tiếp nhận giải quyết thủ tục thu hút đầu tư vào KCN.

Trong buổi làm việc về tình hình quy hoạch, đầu tư phát triển các KCN, CCN trên địa bàn, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị BQLKKT tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp khắc phục tồn tại, khó khăn trong phát triển các KCN, CCN trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị sớm đưa KCN Sao Mai đi vào hoạt động hiệu quả; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đô thị - Dịch vụ Sao Mai để nhanh chóng hoàn chỉnh hạ tầng, đấu giá sớm nhất để có nguồn vốn cho đầu tư tiếp theo; tăng cường xúc tiến đầu tư vào các KCN, CCN, nhất là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho các DN mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, ông Dương Văn Trang cũng yêu cầu sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch KCN sản xuất, chế biến dược liệu tập trung (tại huyện Đăk Tô) của Chính phủ, BQLKKT tỉnh cần nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Quốc Trung, Giám đốc BQLKKT tỉnh Kon Tum khẳng định, hiện tại điểm khó nhất đối với KCN, KKT và CCN là công tác thu hút đầu tư. Bởi trên địa bàn tỉnh chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên việc phát triển các KCN, KKT và CCN còn chậm, hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.


Theo Thái Lâm

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên