MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất cập quản lý xăng dầu: Doanh nghiệp than kiệt quệ vì nhiều bộ ngành cùng quản

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn chịu nhiều thiệt thòi vì cơ chế điều hành còn những bất cập. Ảnh: Như Ý

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn chịu nhiều thiệt thòi vì cơ chế điều hành còn những bất cập. Ảnh: Như Ý

Hàng loạt bất cập của thị trường xăng dầu được các doanh nghiệp bán lẻ nói trực tiếp với đại diện các cơ quan quản lý chỉ được chiết khấu 0 đồng khiến doanh nghiệp (DN) điêu đứng. DN thương nhân phân phối cũng chịu cảnh bị lỗ sâu trong khi có quá nhiều bộ ngành quản lý. Đại diện cơ quan nhà nước cho hay, sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn, tính đúng, đủ chi phí để thị trường xăng dầu ổn định, không đứt gãy nguồn cung.

Đồng loạt kêu thua lỗ, sắp phá sản

Tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”, do báo Tiền Phong tổ chức ngày 6/3, đại diện cho các DN bán lẻ xăng dầu, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, hơn một năm qua, DN bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ, duy trì hoạt động kinh doanh. Tình trạng này kéo dài hơn 1 năm, khiến DN bán lẻ kiệt quệ tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu.

“Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ DN vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức DN bán lẻ. Nhưng sau hội nghị góp ý tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp bán lẻ cũng bất ngờ khi chiết khấu xăng dầu tăng lên 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực. Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu bỗng nhiên mà có?”, ông Tây đặt câu hỏi.

Theo ông Tây, Bộ Công Thương giải thích chiết khấu do “thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh” nhưng diễn biến thị trường đang ngược lại. Chiết khấu cho DN bán lẻ hiện nay hoàn toàn phụ thuộc sự “ban phát” của DN đầu mối. Vì vậy, ông Tây đề nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia tỷ lệ chiết khấu.

Ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TPHCM) đặt câu hỏi cho các cơ quan quản lý, gồm: DN bán lẻ làm thuê cho nhà cung cấp không được nhận lương bằng thù lao chiết khấu, phải bỏ tiền túi trả lương cho người lao động, vậy liên Bộ trưởng Công Thương - Tài chính có giải pháp nào giải quyết tình trạng này? Để DN bán lẻ vì thù lao thấp, chỉ được 100-200 trăm đồng/lít, hoặc âm chiết khấu, phải đóng cửa tạm thời như vậy có vi phạm pháp luật không?

Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TPHCM) đề xuất: Chuỗi cung ứng chỉ quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ; Cần đưa vào nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các DN bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt.

Theo ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như DN bán lẻ. Thời gian qua, cả DN bán lẻ, thương nhân đều lỗ. DN nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ. Đứt gãy thị trường xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh, lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề. Đây là giọt nước tràn ly, cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập.

“Sau khi sửa Nghị định 83, hậu quả đứt gãy thị trường làm DN điêu đứng rất rõ ràng. Lượng hàng dự trữ không còn, chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ”, ông Phụng nói.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP) phản ánh, có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá mới bán. Ông Dũng đề nghị cơ quan quản lý thị trường công khai có bao nhiêu DN bán lẻ, thương nhân phân phối găm hàng trong năm 2022.

Rối chuyện 6 bộ ngành, địa phương cùng “quản” xăng dầu

Sau khi lắng nghe ý kiến DN, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, có những vấn đề đồng thuận, không đồng thuận và ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Về vấn đề chiết khấu, theo ông Đông, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Nếu đưa chiết khấu vào nghị định sẽ làm tăng thêm chi phí, giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng làm sao?

Vấn đề DN có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng, Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm DN bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Quan hệ giữa cửa hàng bán lẻ với thương nhân phân phối có thể là quan hệ đại lý, nhượng quyền thương mại.

Về chi phí lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính rất nỗ lực cùng Bộ Công Thương nhưng diễn biến thị trường thời gian vừa qua, chi phí biến động liên tục, DN cần thông cảm cho Nhà nước không thể kịp theo những biến động thị trường quá nhanh.

"Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của DN khi sửa Nghị định 95 và Nghị đinh 83. Chúng ta nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho DN nhiều hơn nữa".

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của DN khi sửa Nghị định 95 và Nghị định 83. Chúng ta nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho DN nhiều hơn nữa”, ông Đông cho biết.

Trước các câu hỏi của DN đặt ra, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, công thức giá cơ sở gồm: Giá thế giới chiếm 60-70%; chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế từ 11-20%. Còn lại chi phí lợi nhuận định mức và chi phí trong lợi nhuận xăng dầu. Chi phí được công khai ở Nghị định 95. Riêng chi phí định mức (đưa từ nhà máy lọc dầu đến cảng…) được công bố định kỳ. Chi phí định mức công bố 1 năm/1 lần. Các chi phí còn lại công bố 6 tháng/lần. Thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở.

Năm 2022, Bộ Tài chính công bố giá chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam 3 lần và chi phí còn lại công bố 2 lần. Các chi phí được tính toán, phản ánh từ khâu bán buôn, lưu thông, dự trữ đến người tiêu dùng.

Ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, hiện nay có 6 bộ, ngành tham gia quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, còn có UBND địa phương. Riêng với lĩnh vực xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn thanh tra 33 DN đầu mối theo kế hoạch thanh tra xăng dầu hằng năm. Tổng quan kết quả thanh tra cho thấy, các DN đầu mối đều có vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính. Các vi phạm chính của DN chính là không duy trì điều kiện kinh doanh, duy trì hệ thống đầu mối và dự trữ là các vi phạm lớn nhất.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Vấn đề này phải khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định 83 và Nghị định 95.

"Hiện nay, chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu, nhưng lại đặt ra vấn đề trên cơ sở đã có thị trường. Chúng ta đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Tiếp đến, vấn đề tôi quan tâm là hệ thống kinh doanh xăng dầu đã ổn chưa? Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất là hai đơn vị chiếm tới 70% hệ thống", TS Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.

Theo ông Ánh, thị trường xăng dầu chỉ nên có 2 bộ phận: DN đầu mối và DN phân phối. Khi nhìn nhận lại vai trò của từng bộ phận, chúng ta sẽ tư duy khác. Khi quy định về chiết khấu, vô hình chung coi bán lẻ nằm trong chuỗi của đầu mối, phụ thuộc đầu mối.

Nhóm PV Kinh tế

Theo Ban KT-XH

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên