MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất cập thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế

Để tránh tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế trước những quy định đã lỗi thời, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách tính giảm trừ gia cảnh và mức đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bởi nếu thu nhập không phù hợp với các mức thuế tương tự thì chính sách thuế sẽ thành gánh nặng, kéo lùi đời sống nhân dân.

Chính sách thuế quá lạc hậu, lỗi thời, bất cập và vô lý

Như đã đề cập ở bài trước, cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay đang khiến đa số người dân cảm thấy “ngộp thở” vì tình trạng “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đánh giá về Luật Thuế Thu nhập cá nhân, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chỉ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là quá lạc hậu. Theo TS. Việt, chi tiêu của mỗi hộ gia đình ở từng khu vực khác nhau nhưng Việt Nam áp mức chung trên cả nước là vô lý. Bước tính thuế quá gần nhau và nhiều bậc, quá nhanh, không tạo điều kiện cho người dân tích lũy, tạo thu nhập công khai chính đáng.

Bất cập thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế- Ảnh 1.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay đang khiến đa số người dân cảm thấy “ngộp thở” (Ảnh minh họa: KT)

“Bản thân người dân sống ở thành phố lớn, mức tăng CPI do cơ quan chức năng công bố dường như chưa phản ánh đúng thực tế. Chỉ số giá tiêu dùng có độ vênh lớn giữa thành thị và nông thôn. Trong khi đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê sử dụng số liệu CPI với rổ hàng hóa hơn 700 hàng hóa, trên vùng miền cả nước chưa hợp lý”, TS. Nguyễn Quốc Việt chỉ rõ.

Ông Việt dẫn ví dụ lĩnh vực y tế, giá dịch vụ y tế trong bệnh viện công lập đã có sự chênh lệch lớn giữa giá dịch vụ y tế chi trả tự nguyện và giá niêm yết bảo hiểm y tế và tính CPI. Nếu chỉ nhìn vào CPI và mức độ tăng giá không phải là cơ sở chắc chắn để căn cứ làm mức giảm trừ gia cảnh.

“Chi phí cho một trẻ em đi học lớn hơn nhiều lần mức học phí. Khi COVID-19 xảy ra, học phí được miễn giảm nhưng chi phí khác như học thêm, học tiếng Anh, đưa đón, đồng phục… tăng lên rất nhiều. Nếu dựa vào CPI công bố để giảm trừ gia cảnh là quá lạc hậu. Cơ quan chức năng cần có nghiên cứu phù hợp với chuyển dịch thu nhập từ nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình hiện nay”, TS. Nguyễn Quốc Việt nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, quy định trong thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu so với vật giá nhưng mãi không đổi khiến nhiều người dân đang nghèo đi vì thuế.

“Vào 4 năm trước, mức giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu và mức đóng thuế của người có thu nhập là 11 triệu thì có thể tạm ổn. Nhưng hiện nay, mức tính như vậy không còn phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn có chi phí đắt đỏ, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, cần phải đánh giá lại một cách toàn diện và sớm điều chỉnh cách tính thuế này dựa trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Bất cập thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế- Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là quá thấp và không phù hợp với thực tế. Hơn chục năm qua, giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng cảm nhận được giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng, tương đương 20%. Mức tăng không tương xứng với CPI, dù CPI chưa phản ánh hết giá cả của nền kinh tế.

“Một gia đình ở thành phố cho con học trường tư thục thì mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng không thể đủ, trong khi hệ thống trường công không đủ. Những người phải nộp thuế TNCN mà con học trường tư rất thiệt thòi vì không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông trong khi khoản chi phí cho con học trường công đó cũng không được giảm trừ khi tính thuế…”, PGS.TS Phạm Thế Anh bày tỏ.

Cách tính thuế không thể cào bằng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cách tính thuế TNCN hiện cho thấy sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Chính sách thuế TNCN hiện hành  không chỉ bất cập với các quy định về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, mà việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh cũng không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát.

Cách tính thuế TNCN đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến từ 5% đến 35%, áp dụng từ 2007 đến nay được đánh giá là chưa đảm bảo phù hợp với thực tế. Mặc dù là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng nếu nhìn vào biểu thuế này, các mức thuế suất của Việt Nam cao như những nước có thu nhập cao, thậm chí cao hơn…

Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cách tính thuế TNCN hiện nay đơn giản, thuận tiện cho cơ quan hành thu, nhưng không khuyến khích người lao động làm việc, cống hiến. Kỹ thuật đánh thuế cũng chưa hợp lý. Khấu trừ gia cảnh cho mọi người như nhau, trong khi mức chi tiêu để đảm bảo cùng một mặt bằng sinh hoạt ở thành phố và nông thôn rất khác nhau.

“Cơ quan chức năng cần thay đổi theo hướng tăng mức thu nhập chịu thuế, bậc thu nhập chịu thuế giãn ra, chiết trừ gia cảnh có thể tính đến yếu tố cư trú, ngành nghề”, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường đề xuất.

Đồng quan điểm, TS. Phan Phương Nam, Đại học Luật TP.HCM. cho rằng, cách tính thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, bậc tính thuế quá sát, quá nhiều bậc và tạo gánh nặng cho người làm công ăn lương.

Bất cập thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế- Ảnh 3.

Quy định trong thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu so với vật giá nhưng mãi không đổi khiến nhiều người dân đang nghèo đi vì thuế (Ảnh minh họa: KT)

TS. Phan Phương Nam kiến nghị, cơ quan chức năng nên quy định theo hướng mức giảm trừ gia cảnh cao gấp 3-4 mức lương. Khi lương tăng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ tăng theo.

“Tăng lương nhưng không giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực. Nhà nước tăng lương nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người làm công ăn lương, tuy nhiên, khoản đóng thuế đã ngốn một phần lương tăng, chưa kể yếu tố tăng giá hàng hóa”, TS. Phan Phương Nam đánh giá.

Thực tế 10 năm qua cho thấy, tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần vào giữa năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động. Bởi thuế TNCN được coi là công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những người thu nhập thấp hơn. Nếu thu nhập không phù hợp với các mức thuế tương tự thì chính sách thuế sẽ thành gánh nặng, kéo lùi đời sống nhân dân.

Bài viết cùng loạt bài: "Bất cập thuế thu nhập cá nhân"

⇒ Thuế thu nhập cá nhân: Người làm công ăn lương đang “gắng gượng đến kiệt sức”

⇒ Bất cập thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế


Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên