MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất cập tiền lương công chức: Không thể để như hiện nay

02-11-2016 - 07:44 AM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội nêu bất cập tiền lương công chức khi một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp.

Thảo luận tại hội trường chiều 1/11 về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, không thể để tiền lương như hiện nay khi một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp.

“Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên, công chức của ngành này có phụ cấp cao hơn công chức của ngành khác,” ông Lợi nói, và cho đây là một sự bất hợp lý của tiền lương.

“Liệu cơm gắp mắm”

Trong bối cảnh “chiếc bánh ngân sách” đang có xu hướng ngày càng bé lại mà nhu cầu cho đầu tư phát triển lại tăng lên, bên cạnh đó còn phải chú trọng đầu tư cho an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng, vị đại biểu này cho rằng, vấn đề hiện nay là phải phân bổ ngân sách sao cho phát huy hiệu quả, phải “liệu cơm gắp mắm” chứ không thể giữ lối chi tiêu như trước.

Bày tỏ chủ trương điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức, song đại biểu Bùi Sỹ Lợi lưu ý, cần phải tính toán lại kế hoạch điều chỉnh bình quân với mức tăng 7%-8% trong giai đoạn 2016-2020.

Ông Lợi phân tích: Lương cơ sở trong khu vực Nhà nước thực chất là tiền lương tối thiểu trước đây, thực hiện cùng với khu vực sản xuất. Sau này, khi tách ra khu vực sản xuất kinh doanh thì khu vực này xác định tiền lương tối thiểu theo vùng và được điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động.

Trong khi đó, tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức lại không thực hiện như vậy. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ điều chỉnh 7-8%. Ông Lợi thắc mắc ngân sách sẽ lấy từ đâu?

Theo ông Lợi, việc điều chỉnh tăng lương cho đối tượng người nghỉ hưu không phải là nằm trong chương trình cải cách tiền lương. Bởi nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là đảm bảo ở mức “không để cho người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở”, không nằm dưới sàn an sinh xã hội.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Còn kế hoạch tăng lương 7%-8%/năm cho giai đoạn tới, theo ông Lợi, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa đi vào bản chất của cải cách chế độ tiền lương. Do đó, đại biểu này đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện trên nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm đảm bảo “tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác”, coi chính sách tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.

Phải lấy hiệu quả làm thước đo

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, để cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ phải quyết tâm cao giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới áp lực của thị trường, phải lấy hiệu quả làm thước đo.

Ông Lợi cho rằng, với 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức thì chỉ có 500.000 cán bộ công chức viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu công chức viên chức còn lại phải tính đúng tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra, có như vậy mới thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.

Cùng quan tâm đến tiền lương cơ sở, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) nêu quan điểm: Dù trong điều kiện ngân sách khó khăn song vẫn mong muốn Quốc hội quan tâm điều chỉnh lương cho đối tượng hưu trí, những người có công, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước 1993.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt

Theo ông Việt, không nên đánh đồng mức tăng lương giữa đối tượng hưu trí, người có công với công chức, viên chức đương chức. Nếu mức tăng cho công chức, viên chức 7% thì nên tăng lương cho đối tượng hưu trí, người có công là 8%.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên