MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất cập trong ngành công nghiệp khai khoáng

Những khoảng trống trong chính sách, pháp luật về khoáng sản đã tạo nhiều kẽ hở, khiến cho hoạt động trong lĩnh vực này thiếu minh bạch...

Khai khoáng là ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, là nguồn lực để phát triển quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại việc quản lý và khai thác khoáng sản không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên.

Đây là thực trạng được các chuyên gia nêu lên tại hội thảo "Thúc đẩy quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai thác hướng đến sự phát triển toàn diện của Việt Nam" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh Khoáng sản và Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên (NRGI) phối hợp tổ chức ngày 30/1/2018, tại Hà Nội.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về khoáng sản. Trong 3 thập kỷ gần đây, các ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Mặc dù, trong Hiến chương Tài nguyên và Luật Khoáng sản đã thừa nhận "Tài nguyên khoáng sản thuộc về người dân", tuy nhiên, theo các báo cáo tại hội thảo, cơ hội tham gia của cộng đồng vào trong ngành này vẫn rất hạn chế. Các hoạt động khai thác khoáng sản là nguyên nhân chính gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.

Do đó, việc chiếm dụng đất và hủy hoại môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động nghiêm trọng tới đời sống của người dân địa phương.

Không những vậy, báo cáo của NRGI cũng chỉ ra một bất cập khác, đó là các khoản thu như tiền cấp quyền khai thác và phí bảo vệ môi trường được thu thập dựa trên những dữ liệu sản phẩm mà các công ty tự kê khai. Với hệ thống giám sát còn hạn chế, việc trốn và tránh nộp thuế là không thể tránh khỏi.

Hơn thế nữa, nhiều vấn đề liên quan đến tài chính như phân bổ và sử dụng nguồn thu hiện nay mà Chính phủ quản lý chưa được triệt để và không tương xứng với quy mô khai thác, đầu tư và chi phí môi trường.

Liên quan đến Chỉ số quản trị tài nguyên, theo kết quả của Chỉ số quản trị tài nguyên 2017 do NRGI công bố tại hội thảo cũng cho thấy, 66 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị ngành công nghiệp khai thác.

Tại Việt Nam, Chỉ số quản trị tài nguyên của ngành dầu khí và khí thiên nhiên chỉ xếp hạng 48/100 điểm. Kết quả đánh giá thể hiện hoạt động yếu, đặc biệt trong hệ thống thu thuế, quản lý nguồn thu, ngân sách quốc gia, tiếng nói, minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình.

Đối với vấn đề minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, mặc dù từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khi Luật Khoáng sản được ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực hiện minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, thế nhưng trên thực tế, vẫn còn khoảng cách lớn giữa những chủ trương, quy định và thực tiễn thi hành.

Chính vì vậy, năm 2017, mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chỉ đứng thứ 45/89 quốc gia.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, việc quản lý, thanh tra hoạt động khai khoáng vẫn còn phân tán và chồng chéo. Cụ thể: Nội dung cấp phép hoạt động khoáng sản thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhưng giám sát các hoạt động khoáng sản lại do Bộ Công Thương thực hiện. Đáng nói hơn, hiện nay các các doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi, độc quyền trong khai thác khoáng sản, làm cản trở tiến trình minh bạch hóa trong hoạt động khoáng sản.

Cũng theo ông Doanh, mặc dù, Chính phủ đã cấm nhưng vẫn có tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô, xuất khẩu lậu, gây ra tham nhũng, lãng phí lớn.

Chuyên gia độc lập Nguyễn Thành Sơn cũng khẳng định, nhận thức về tài nguyên khoáng sản từ quản lý đến khai thác là kém nhất. "Hiện nay nhiều nước đang cố gắng để giữ nguồn tài nguyên khoáng sản thì Việt Nam lại tìm mọi cách để xuất khẩu. Nước nghèo mới xuất khẩu còn nước giàu nhập khẩu".

Theo ông Sơn, đối với ngành khai khoáng, nếu quản trị không tốt, làm hỏng sẽ không thể sửa chữa được. Ngành than là ví dụ điển hình, hiện nay do các mỏ đã bị chia nhỏ khi trao quyền khai thác mỏ, vì vậy, quy hoạch ngành đã gần như bị phá vỡ.

Ví dụ điển hình là ngành dầu khí, gần như cái gì cũng "đóng dấu mật", thậm chí ngay đến chiến lược phát triển ngành cũng là "thông tin mật". Điều này dẫn đến việc quản trị tài nguyên rất khó, và vì thế làm cho ngành khai thác khoáng sản ở Việt Nam khó phát triển.

Để giảm bớt những bất cập trong khai thác khoáng sản, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần bàn thảo để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cùng với đó, cần sớm công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản, gồm: Diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn thu từ khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi người dân nơi có khoáng sản.

Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong EITI để giảm bất cập trong khai thác khoáng sản.

Theo Mạnh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên