Bất chấp đảo chính, khủng bố và lạm phát, nhà đầu tư vẫn đổ xô đến Thổ Nhĩ Kỳ
Trong thế giới lãi suất âm, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn để tìm kiếm lợi nhuận.
- 24-07-2016Những thách thức đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành
- 18-07-2016Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: "Cuộc đảo chính là món quà của Chúa"
- 17-07-20164 cuộc đảo chính trong quá khứ và nguyên nhân khiến đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ "chết yểu"
Khủng bố tấn công sân bay chính ở Istanbul, một cuộc đảo chính bất thành đặt ra những câu hỏi về ổn định chính trị, và nền kinh tế bị hạ xếp hạng tín dụng – tất cả những điều này xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong có hai tuần. Nếu nhìn từ bên ngoài, hiện tại có thể không phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy mà nơi đầu tư có lãi nhất trên thế giới trong tuần qua lại là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Merrill Lynch, giá chứng khoán và trái phiếu của Thổ Nhĩ Kỳ tính theo USD đã tăng tương ứng 6,6% và 3,8%.
Các thị trường mới nổi vẫn có tiếng là hay diễn biến bất thường. Song, sự hồi phục ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều như thế nào khi mà 11 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ trên toàn thế giới chỉ đang đem lại lợi tức âm.
Đó là lý do tại sao trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi tức 9% của Thỗ Nhĩ Kỳ lại hấp dẫn nhà đầu tư đến vậy, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát của nước này là 8,7% và đồng tiền ở đây đang sụt giá.
Thị trường chứng khoán và trái phiếu ở các nước đang phát triển đã bùng nổ kể từ đầu năm ngoái, với các nước như Brazil và Nam Phi dẫn đầu. Giá chứng khoán tính theo USD ở hai nước này đã tăng tương ứng 54% và 24% trong năm ngoái.
Sự gia tăng trên có được là nhờ tâm lý săn lùng tài sản được định giá thấp ở các nước đang phát triển của nhà đầu tư. Chứng khoán ở thị trường mới nổi đang được giao dịch với giá thấp hơn nhiều so với ở Mỹ và Châu Âu.
Giá dầu phục hồi một phần, bất ổn chính trị lắng dịu ở Brazil và niềm tin về việc chính phủ Trung Quốc sẽ không để giá đồng nhân dân tệ sụp đổ cũng có tác dụng tích cực.
Song, nguyên nhân sâu xa của dòng tiền đổ vào các tài sản rủi ro cao là áp lực mà nhiều tổ chức, từ các quỹ lương hưu và công ty bảo hiểm lớn cho đến quỹ phòng hộ, phải đối mặt để tìm kiếm lợi nhuận trong một thế giới của lãi suất chỉ từ không cho đến âm.
Áp lực này đã gia tăng kể từ khi Anh bỏ phiếu rời EU, gây ra cú sốc mới trên thị trường. Lợi tức trái phiếu tiếp tục sụt giảm và giá chứng khoán đắt đỏ, khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với chứng khoán và trái phiếu ở thị trường đã phát triển.
“Ở những nơi như Châu Âu, Anh và Mỹ, rủi ro thì nhiều mà lợi nhuận lại không có”, Gavin Serkin, chuyên gia về thị trường mới nổi ở Frontier Funds, công ty tư vấn có trụ sở ở London nói. “Ở các nước đang phát triển, cũng có rủi ro nhưng ít nhất tiềm năng lợi nhuận vẫn còn lớn”.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), khoảng 25 tỷ USD đã đổ vào các thị trường đang phát triển trong tháng trước. Châu Á và Mỹ Latinh là điểm đến chủ yếu của dòng tiền này. Cùng với 13 tỷ USD đổ vào các thị trường trên trong tháng 6, hai tháng qua cho thấy một sự chuyển biến đáng kể trong tâm lý của nhà đầu sau giai đoạn tồi tệ trước đó ở thị trường mới nổi.
Theo các tính toán của IIF, 81 tỷ USD đã tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi sau khi đồng nhân dân tệ lao dốc trong tháng 8 năm ngoái. Con số này có thể sánh với 96 tỷ USD tháo chạy khỏi các thị trường trên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008
Các chuyên gia của IIF cho biết dòng tiền đổ vào thị trường mới nổi đã tăng vọt trong vài tuần sau khi Anh bỏ phiếu rời EU. Khi đó, các nhà đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn bằng cách mua trái phiếu chính phủ Nhật, Châu Âu và Mỹ. Nhưng khi lợi tức của những trái phiếu này biến mất trong tháng trước, trái phiếu chính phủ ở Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỹ, có lợi tức dao động trong khoảng 10% lại trở nên hấp dẫn hơn.
Con số trên đặc biệt hấp dẫn khi so với Italy, trái phiếu chính phủ của nước này chỉ có lợi tức 1% ngay cả khi nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng buộc nước này phải rời EU gia tăng. Ở Nhật Bản, nước có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất trong số các nước đã phát triển, nhà đầu tư thậm chí chỉ nhận được lợi tức âm nếu mua trái phiếu kỳ hạn 20 năm của chính phủ.
Lợi tức thấp như vậy là kết quả của kỷ nguyên kích thích tiền tệ chưa từng thấy. Các ngân hàng trung ương thế giới đã mua 15% số trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ trên toàn cầu nhằm kích thích kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, tài sản ở các nước đang phát triển lại không nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư trong giai đoạn kích thích tiền tệ nói trên. Nhận định trên được đưa ra bởi Jan Dehn, trưởng bộ phận nghiên cứu của Ashmore, quỹ đầu tư nắm giữ 51 tỷ USD ở các thị trường mới nổi
Và đó là lý do tại sao lại có sự tương phản rõ rệt giữa lợi tức trái phiếu ở các nước đã phát triển và đang phát triển khi nhà đầu tư đã bỏ rơi các thị trường mới nổi để chạy theo chính sách của các ngân hàng trung ương.
“Thời của nới lỏng định lượng (QE) đã chấm dứt. Chúng ta đang chào đón một thế giới không có QE, nơi mà trái phiếu của các nước chiếm 58% GDP toàn cầu có lợi tức trung bình 5,6%, cao hơn lãi suất 5% trước khủng hoảng của Fed. Điều này thật không thể tin được”, Dehn nóí.