Bất chấp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng cao
Theo số liệu thống kê của Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (tăng trên 8%). Tăng trưởng xuất khẩu tương đối tích cực ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI.
- 29-04-2023Vùng kinh tế trọng điểm duy nhất hút vốn ngoại trên 150 tỷ USD
- 21-04-2023Giải mã chuyện thu nhập người Việt thấp nhưng giá bất động sản lại rất cao
- 21-04-2023Tỉnh liền kề Thủ đô duy nhất có thu nhập bình quân tăng trên 15 lần sau 20 năm, lọt top 10 cao nhất Việt Nam
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh đặc thù, với những biến động kinh tế chính trị khó lường và phần nhiều có tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại.
Cụ thể, cầu nhập khẩu hàng hoá suy giảm khi khó khăn kinh tế ở các nước phát triển gia tăng, lạm phát ở châu Âu và Hoa Kỳ ở mức cao đạt đỉnh trong nhiều năm, sức mua giảm sút rõ rệt. Hoạt động sản xuất chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đứt gãy nguồn cung do xung đột chính trị leo thang thành xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng như việc các quốc gia áp dụng các biện pháp trả đũa qua lại, giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Tại thị trường Trung Quốc, các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch Covid-19 vẫn được thực thi nghiêm ngặt, điều này ảnh hưởng đáng kể lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng ở mức cao dù nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (tăng trên 8%). Tăng trưởng xuất khẩu tương đối tích cực ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI (doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 95,4 tỷ USD, tăng 6,8%; doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 275,9 tỷ USD, tăng 11,8%).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu, đạt 319,2 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và ghi nhận mức tăng 10,1% so với năm trước.
Cũng theo Báo cáo, xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng đều tăng so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản đạt 30,8 tỷ USD, tăng 9,9% và xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt gần 5 tỷ USD, tăng 36,5% so với năm 2021.
Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm xuất khẩu điện thoại đạt 58 tỷ USD, tăng 0,8% so với năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 55,5 tỷ USD, tăng 9,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 45,8 tỷ USD, tăng 19,4%; hàng dệt, may đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,7%; giày dép các loại đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng 8,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 12,9% và thuỷ sản đạt 10,9 tỷ USD, tăng 23%.
Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 cũng cho thấy, cán cân thương mại cả năm tiếp tục vị thế xuất siêu trong các năm trước; mức thặng dư hàng hoá đạt 12,4 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu đa dạng, duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có kí kết FTA với Việt Nam.
Xuất khẩu sang một số thị trường là đối tác FTA tăng cao như: sang ASEAN đạt 34 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2021; Canada đạt 6,3 tỷ USD, tăng 19,8%; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, tăng 10,7%; Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4%; Ấn Độ đạt 8 tỷ USD, tăng 26,8%, Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%; EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7%.
Cũng theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước. Theo đó, nhập khẩu cả năm đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 9,9%; nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI tăng 6,7%. Nhập khẩu nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, linh kiện thiết bị cần nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng là chủ yếu trong trị giá hàng nhập khẩu, đạt 316,7 tỷ USD, chiếm 88,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Vnmedia