Bất chấp khó khăn, xuất siêu của Việt Nam đạt mức kỷ lục, nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ đô
Trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD.
- 30-06-2023Việt Nam xuất siêu đạt hơn 12 tỷ USD
- 29-05-20235 tháng, Việt Nam xuất siêu 9,8 tỷ USD
- 21-05-2023Việt Nam xuất siêu 7,55 tỷ USD nhưng nỗi lo còn đó
Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề vướng mắc trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ qua thời gian, nhưng kết quả đạt được của ngành Công Thương là rất đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 (là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022). Trong đó, có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.
Ngành năng lượng tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (nhất là ngành điện) nhưng đã kịp thời được khắc phục cơ bản, bảo đảm cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.
Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thời gian qua. Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 723 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng tới 182,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản.
Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 trong nhóm hàng nông sản là cà phê với giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, gạo cũng là một mặt hàng có tốc độ tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị. Đứng vị trí thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản là hạt điều với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 10,5 về lượng và tăng 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm: Điện thoại và linh kiện24,29 tỷ USD, Điện tử, máy tính và linh kiện 25,21 tỷ USD, Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 19,73 tỷ USD, Dệt mau 15,75 tỷ USD và Giày dép 10 tỷ USD.
Nhập khẩu hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các nhóm hàng phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%.
Hình minh họa
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa suy giảm.
Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch; doanh thu thương mại điện tử B2C 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận phát triển ngành Công Thương vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức thấp; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ; cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn; có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn. Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chậm đổi mới...
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2003 đã đề ra.
Phụ nữ số