Việt Nam xuất siêu đạt hơn 12 tỷ USD
Sáu tháng đầu năm, cả xuất, nhập khẩu đều giảm nhưng xuất siêu ước tính đạt hơn 12 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn, nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
- 30-06-2023Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời
- 30-06-2023Giảm 50% lệ phí trước bạ, doanh nghiệp taxi tiết kiệm hàng chục tỷ đồng
- 30-06-2023Bóc hồ sơ doanh nghiệp dự gói thầu sân bay Long Thành hơn 35.000 tỷ
Cụ thể, nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6%. Đồng thời xuất siêu sang thị trường này đạt 37,2 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê - cho biết, tuy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam giảm so với cùng kỳ, nhưng là trên nền so sánh rất cao của 2 năm trước (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%).
Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021 (tổng kim ngạch bằng 99,3%).
Tổng cục Thống kê dẫn báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4 vừa qua cho 16 nền kinh tế lớn trên thế giới, có đến 13/16 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 2/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4.
Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời, cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lạm phát trong những tháng cuối năm, tác động tới các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu; thực trạng suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới; xung đột địa chính trị… dẫn tới nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm (yếu tố này rất khó đoán định trong thời gian tới), điều này sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng tốt các Hiệp định thương mại (đặc biệt là các FTA đã ký kết) và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống, cụ thể các thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh...
"Theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… có ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời.
Ngoài ra, cũng cần nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu" - ông Nguyễn Việt Phong nhấn mạnh.
Tiền Phong