"Bắt chước" Tiki, ông Nguyễn Đức Tài có khiến Vuivui.com trở thành một "Thế giới di động thứ 2" trong ngành TMĐT?
Theo ông Nguyễn Đức Tài, sàn TMĐT Vuivui.com có thể vượt doanh thu Thế Giới Di Động chỉ trong vòng 5 năm.
- 04-12-2016Ông Nguyễn Đức Tài: Cứ làm tốt đi rồi tự khắc có người mang tiền tìm đến bạn
- 10-11-2016Ông Nguyễn Đức Tài lý giải nguyên nhân lợi nhuận TGDĐ tháng 9 giảm mạnh, Nguyễn Kim, HC sẽ cảm thấy lo lắng
- 09-11-2016Khi chủ tịch FPT Trương Gia Bình tại vị gần 3 thập kỷ, thì ông Nguyễn Đức Tài đã tính chuyện chuyển giao quyền lực ở TGDĐ
Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế giới di động cho biết, sang năm 2017, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh sang nhiều mũi nhọn khác nhau. Ngoài Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh, một mảng kinh doanh khác cũng sẽ được tập trung đầu tư phát triển đó là sàn Thương mại điện tử mang tên Vuivui.com
Định hướng phát triển sang lĩnh vực TMĐT của Thế giới di động không mới. Theo một số nguồn tin, từ giữa năm 2016, đội ngũ phát triển của công ty này đã hoàn thiện Vuivui để chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra mắt chính thức vào năm 2017. Đây cũng được xem là bước tiến hợp lý, sau khi Thế giới di động vươn mình sang nhiều lĩnh vực bán lẻ khác bên cạnh hàng công nghệ như điện máy hay thực phẩm.
Mặc dù vậy, thách thức lớn nhất của Vuivui, có lẽ cũng giống như nhiều doanh nghiệp làm TMĐT khác ở Việt Nam. Đó là làm sao để thành công. Nếu chỉ dựa dẫm vào tiềm lực của doanh nghiệp để phát triển thì có thể là một bài toán sai lầm.
Tính chung trên thị trường hiện nay, chưa có doanh nghiệp TMĐT nào tại Việt Nam dám lên tiếng khẳng định mình là người chiến thắng. Ở lĩnh vực này, không đơn giản chỉ là kẻ yếu mới phá sản, mà ngay cả những ông lớn với sức mạnh không thua kém Thế giới di động như Vingroup (sàn Adayroi), FPT (sàn Sendo) hay đại gia ngoại như Lazada cũng đang trầy trật tìm lối thoát.
Vậy Vuivui sẽ giải quyết bài toán thị trường như thế nào?
Theo ông Nguyễn Đức Tài, điểm khác biệt của Vuivui.com đến từ mô hình hoạt động, cùng 2 yếu tố cốt lõi xuyên suốt.
"Vuivui có mô hình giống Tiki"
Theo ông Tài, Vuivui hoạt động theo mô hình B2C, giống với Tiki.vn. Cụ thể, Vuivui.com sẽ kết nối các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, đầu vào của các sản phẩm sẽ được kiểm soát gắt gao từ đầu.
"Vuivui không phải cái chợ ai muốn bán gì thì bán. Vuivui do TGDĐ lập ra sẽ được kiểm soát chặt chẽ 2 vấn đề cốt lõi là chất lượng và tốc độ giao hàng", ông Tài cho biết.
Theo lãnh đạo này, 80% hàng hóa trên Vuivui đều do Thế Giới Di Động bán, phần còn lại là các mặt hàng quy mô nhỏ sẽ được ký kết riêng với các doanh nghiệp.
Do kiểm soát đầu vào nên trong trường hợp khách gặp hàng giả, hàng kém chất lượng, Vuivui cũng sẽ bên nhận trách nhiệm giải quyết khiếu nại và xử lý nhà cung cấp.
"Ví dụ, khách mua đôi giày 1 triệu đồng và phát hiện hàng giả, chúng tôi sẽ đền bù 200% giá trị sản phẩm, đồng thời sẽ phạt doanh nghiệp cung ứng cả trăm triệu. Chúng tôi muốn xây dựng chuỗi cung ứng uy tín.
Với một số ngành hàng đặc thù, sẽ chỉ có duy nhất một doanh nghiệp uy tín cung ứng cho người tiêu dùng, để đảm bảo vừa kiểm soát được chất lượng, vừa tạo được niềm tin với khách mua hàng ", ông Tài khẳng định.
Cách làm này của ông Tài khi áp dụng cho Vuivui khác khá nhiều so với mô hình marketplace của Lazada hay Sendo. Với marketplace, các gian hàng chỉ cần được đăng ký là có thể đẩy sản phẩm lên, sàn giao dịch gần như không kiểm soát chất lượng và chọn được hàng “thật” hay không phụ thuộc vào độ mát tay của người mua.
Tất nhiên, việc kiểm soát gắt gao đầu vào có thể dẫn tới những hệ quả, như chủng loại hàng hóa kém đa dạng hơn và chi phí vận hành tăng. Ông Tài bảo, "nếu không thực hiện các vấn đề đó thì mình sẽ luôn cảm thấy lo lắng", và mô hình áp dụng cho Vuivui chính là "kết quả từ 13 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ của TGDĐ mà ông rút ra được".
Tốc độ giao hàng nhanh nhất
Theo ông Phạm Văn Trọng - Giám Đốc dự án Vuivui, thị trường bán hàng qua mạng hiện rất phức tạp. Các doanh nghiệp thương mại điện tử thường "cắt máu mình" để giảm giá, chạy các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng, "làm hư" khách hàng, khiến người mua hàng mặc định nghĩ mua hàng online sẽ rẻ.
"Vuivui sẽ không làm vậy, thay vào đó, trang TMĐT này sẽ chỉ tập trung vào việc bán hàng chất lượng và cái lõi thứ 2, đó là tốc độ giao hàng nhanh nhất có thể", ông Trọng chia sẻ.
Khi xây dựng dự án, một yếu tố mà Vuivui muốn cam kết với khách hàng đó là nếu giao hàng chậm so với cam kết, sàn TMĐT này sẽ tự chịu bồi thường cho khách.
"Cụ thể, Vuivui.com sẽ chia các mốc thời gian như 11 giờ trưa, 4 giờ chiều, 8 giờ tối để giao hàng. Ví dụ, khi đặt mua thời điểm 11 giờ thì trước 4 giờ giao, mua lúc 4 giờ thì 8 giờ giao. Quá thời hạn cam kết, khách sẽ tự động được bồi thường bằng phiếu mua hàng", ông Trọng cho biết.
5 năm nữa, doanh thu Vuivui sẽ vượt Thế Giới Di Động
Mô hình của Vuivui theo chia sẻ của lãnh đạo TGDĐ có vẻ tương đồng với Tiki, từ cách thức hoạt động cho tới điểm nhấn về giao vận. Tiki.vn, trong năm vừa qua cũng đã nhận được vốn đầu tư 18 triệu USD từ VNG.
Mặc dù vậy, cuộc chơi có lẽ sẽ nhanh chóng thay đổi khi có sự tham gia của một "tay chơi lớn" và giàu kinh nghiệm như TGDĐ. Chia sẻ về mục tiêu doanh thu của Vuivui.com, ông Tài kì vọng, trang TMĐT này sẽ vượt Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trong 5-7 năm nữa, nếu đẩy nhanh tiến độ, có thể chỉ trong 3-5 năm tới là đủ.
Nếu điều này thành hiện thực, ông Tài và các cộng sự hẳn sẽ rất vui, vì doanh thu của các lĩnh vực trên của TGDĐ đã đạt tới con số 44.000 tỉ đồng trong năm 2016.
Theo thống kê, mức tăng trưởng của TMĐT Việt Nam trong các năm vừa qua đạt khoảng 20%/năm. Dự báo đến năm 2020, quy mô ngành này sẽ đạt 10 tỷ USD - chiếm 5% tỷ trọng ngành bán lẻ cả nước. Một thị trường rất tiềm năng và đủ lớn để Vuivui đặt kỳ vọng vượt qua 2 người anh là chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh.
Hào hứng với cuộc chơi mới, nhưng ông Trọng cũng cẩn trọng nhận xét: "Trong vòng 3 năm tới, Vuivui.com sẽ chứng minh hiệu quả cụ thể thông qua việc đóng góp tối thiểu 10% vào doanh thu chung của toàn tập đoàn”.
Tất nhiên, thị trường rộng mở nhưng không hề ngon ăn. Các đại gia vẫn đang đốt tiền không ngừng nghỉ ở lĩnh vực được mệnh danh là "máy xay thịt" của ngành internet.
Trí thức trẻ