Nắng nóng đỉnh điểm, cua đồng không chịu nổi nắng nóng cũng là lúc những người săn cua đội nắng để mưu sinh. Giá cua cao giúp tăng thêm nguồn nhu nhập cho người dân.
Tờ mờ sớm, từng tốp xe máy chở từng nhóm người từ các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc… (Nghệ An) đi dọc quốc lộ 7 ngược lên những cánh đồng lúa đã thu hoạch ở các huyện vùng cao để bắt cua đồng. Từ sáng, trời xứ Nghệ đã bắt đầu có nắng, hơi nóng hầm hập tỏa ngược lên từ đường nhựa khiến công việc mưu sinh vất vả hơn.
Chị Phạm Thị Mai (trú huyện Yên Thành) cho biết, tháng 6 được xem là mùa vụ bắt cua đồng bởi đây là thời điểm những cánh đồng lúa bắt đầu vào vụ mùa mới. Thời điểm này, những cánh đồng sau khi làm đất để chuẩn bị gieo cấy mùa vụ mới là địa điểm thích hợp nhất để bắt cua đồng . Cua ở giữa ruộng sẽ không chịu được nắng nóng mà phải bò vào bờ ruộng trú nắng dưới lớp cỏ. Lúc này, họ chỉ việc đi trên bờ, gắng cúi người xuống quan sát rồi nhặt cua.
Chị Mai cho biết, bắt cua đồng là nghề phụ, nhưng lại là nghề cho gia đình chị thu nhập ổn định trong khoảng thời gian này. Vợ chồng chị cùng cô con gái 15 tuổi vẫn thường chạy xe máy đi bắt cua từ lúc trời chưa sáng, khi về thì đường đã lên đèn.
"Mỗi ngày 3 người cũng bắt được 15-20kg cua, với giá bán từ 80.000-100.000 đồng/kg tính ra cũng kiếm được hơn triệu bạc. Tuy hơi cực, nhưng ở quê giờ ni làm chi ra được tiền nhanh bằng đi bắt cua", chị Mai chia sẻ.
Xế trưa, nhiệt độ ngoài trời ở Nghệ An luôn ở mức gần 40 độ C. Đây được xem là khung giờ vàng đối với những người bắt cua đồng. Với họ, khi nắng càng to, càng cực thì lại càng dễ "hốt bạc". Nếu bỏ qua khung giờ vàng giữa trưa, khi nước ở ruộng đã hết nóng thì cua lại chui vào hang sẽ rất tốn công sức để bắt.
Tầm từ 10h-14h mỗi ngày, cua trên những cánh đồng đã thu hoạch lúa phần lớn sẽ tìm vào bờ, trú nắng dưới lớp cỏ do không chịu được nắng nóng.
Anh Phan Xuân Quyền (quê huyện Diễn Châu) cho biết, nếu chăm chỉ và gặp may thì thời điểm này nhiều người dễ dàng kiếm được bạc triệu mỗi ngày nhờ bắt cua đồng. Tuy nhiên, ngoài việc phải phơi nắng, họ còn rất mất sức khi gặp phải những hang cua sâu, ngoằn ngoèo. Lúc này, những người săn cua đồng phải bò úp sát với bờ ruộng rồi vươn hết cả sải tay để tìm cách đưa con cua trong hang ra ngoài.
Theo người dân địa phương, nếu như gần chục năm trước giá cua đồng rất rẻ thì nay cua đồng ngày càng đắt đỏ nhờ được ưa chuộng . Cũng nhờ vậy, công sức, mồ hôi mà họ bỏ ra để săn cua đồng cũng được trả xứng đáng hơn.
Anh Quân - một thương lái thu mua cua dọc quốc lộ 7 (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho biết, trung bình mỗi ngày thu mua từ 5-6 tạ cua đồng.
Phần lớn cua đồng sau khi mua sẽ được bán cho các nhà hàng, khách sạn ở TP.Vinh và các tỉnh thành phía Bắc. Thời tiết nắng nóng, cua đồng ngày càng được ưa chuộng, bởi thế hầu như phần lớn ngày nào nguồn cung cũng không đủ nhu cầu.