Bắt đầu giải cứu "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh
Việc thi công, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh - nơi bị gọi là "rốn ngập" hay "con đường đau khổ" tại TP HCM bắt đầu thực hiện từ sáng nay (5-10), dự kiến hoàn thành sau 14 tháng.
- 04-10-2019Giải cứu toàn diện rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh
- 15-09-2019"Rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh ngập trong trận mưa lớn: Ông chủ 'siêu máy bơm' nói gì?
- 25-08-2019Tháng 9 sẽ khởi công dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh
- 14-07-2019Lắp trạm quan trắc cảnh báo ở 'rốn ngập' Nguyễn Hữu Cảnh
Sáng 5-10, đường Nguyễn Hữu Cảnh qua địa bàn quận 1 và Bình Thạnh, TP HCM, bắt đầu thi công cải tạo nhằm giải quyết tình trạng ngập úng cũng như chỉnh trang mỹ quan, đô thị dọc tuyến.
Tại khu vực trước toà nhà The Manor - nơi bị lún nặng nhất trên tuyến đường này - hiện đã được rào chắn tại 2 vị trí. Phía ngoài, đơn vị thi công tổ chức lực lượng hướng dẫn và điều tiết giao thông.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu thi công sửa chữa vào sáng 5-10
Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM - chủ đầu tư, dự án này có mức đầu tư 472,9 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp 371 tỉ đồng. Thời gian thi công theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau gần 14 tháng.
Dự án sẽ thực hiện nâng cấp, sửa chữa và cải tạo nền đường Nguyễn Hữu Cảnh trên tổng chiều dài gần 3,2 km, bề rộng giữ nguyên; đồng thời cải tạo và xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật...
Dự án sẽ thực hiện nâng cấp, sửa chữa và cải tạo nền đường Nguyễn Hữu Cảnh trên tổng chiều dài gần 3,2 km
Việc thi công, phần đường dọc tuyến sẽ thiết kế trên cơ sở khôi phục cao độ thiết kế cơ sở trước đây, đảm bảo chống ngập, giao thông và hài hoà với các khu dân cư dọc 2 bên tuyến. Trong đó, sẽ nâng cao độ mặt đường ở những đoạn bị lún nặng. Cụ thể như khu vực trước tòa nhà The Manor (dài khoảng 500 m), sẽ được nâng lên từ 0,5 cm đến 1,2 m. Bên cạnh đó, hệ thống cây xanh trên tuyến đường cũng sẽ được cải tạo và trồng mới các chủng loại phù hợp.
Việc thi công, phần đường dọc tuyến sẽ thiết kế trên cơ sở khôi phục cao độ thiết kế cơ sở trước đây, đảm bảo chống ngập, giao thông và hài hoà với các khu dân cư dọc 2 bên tuyến
Trong khi đó, với phương án phân luồng và điều tiết giao thông trong quá trình thi công, chủ đầu tư cho biết đoạn từ cầu Văn Thánh 2 đến hết phạm vi nút giao cầu Thủ Thiêm sẽ chiếm dụng 24/24 giờ.
Giai đoạn 1, các đơn vị thi công hệ thống cống hộp dọc thoát nước bên trái tuyến, cải tạo vỉa hè thành mặt đường nhựa tối thiểu 3 m nhằm hạn chế ảnh hưởng đến lộ trình các tuyến xe buýt lưu thông qua khu vực.
Quá trình thi công, tại khu vực hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh sẽ tổ chức lưu thông 2 chiều cho các loại xe, bao gồm cả xe máy. Một đoạn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ cấm ôtô lưu thông hướng từ đường Ngô Tất Tố đến chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Lộ trình thay thế: Ngô Tất Tố - (rẽ trái) Nguyễn Hữu Cảnh - (quay đầu hẻm 113) Võ Duy Ninh - hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh hoặc Ngô Tất Tố - Trần Quang Long/Nguyễn Văn Lạc - Phạm Viết Chánh - Nguyễn Hữu Cảnh.
Quá trình thi công, rào chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện
Đối với giai đoạn 2, việc thi công sẽ thực hiện từ đoạn giao cầu Thủ Thiêm đến đầu cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và các phương tiện vẫn được lưu thông như hiện nay.
Ông Phan Văn Ảnh, Phó Ban Quản lý dự án 1 - phụ trách chính dự án - cho biết nhiều hạng mục quan trọng tại dự án này được áp dụng công nghệ mới. Cụ thể như việc xử lý nền đường yếu được thực hiện bằng giải pháp cọc xi-măng đất, sử dụng công nghệ Jet-Gruouting.
Giải pháp này có nhiều ưu việt, đó là các lỗ khoan nhỏ hơn thông thường nhưng phạm vi ảnh hưởng khi khoan qua nền đá, mặt nhựa có thể lên tới 60 cm. Chưa kể, ngoài việc không phá vỡ kết cấu mặt đường còn giúp tăng khả năng kết dính xi-măng với nền đất, tăng độ cứng, khắc phục tình trạng lún ở tuyến đường.
"Công nghệ này áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, còn tại Việt Nam một số công trình cũng đã triển khai. Giải pháp này ngoài ra còn giúp huy động và tập kết được nhiều thiết bị thi công hơn bởi khá nhỏ gọn, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện" - ông Ảnh cho biết.
Khu vực trước tòa nhà The Manor bị lún nặng nhất
Đường Nguyễn Hữu Cảnh đưa vào khai thác năm 2002 - là tuyến huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm TP HCM. Tuy nhiên, tuyến đường này sau đó bị lún và ngập nặng - bị xem là "rốn ngập" hay "con đường đau khổ" nhiều năm nay. Để xử lý tình trạng cấp bách, chính quyền TP HCM hiện thuê máy bơm do Công Ty CP Tập Đoàn Công nghiệp Quang Trung đầu tư để chống ngập cho tuyến đường.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên trong cảnh ngập nước nhiều năm qua, đặc biệt là khu vực dưới chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh
Người lao động