Bất động sản chưa hết lao đao
Dòng tiền đầu tư bị thắt chặt kéo theo thực trạng thanh khoản bị sụt giảm. Thực tế này khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, tinh giản tối đa bộ máy… Hàng nghìn môi giới trong lĩnh vực địa ốc mất việc làm.
- 24-12-2022Giá bất động sản cao, nhà ở xã hội thiếu ‘đánh đố’ người dân
- 24-12-2022Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản tiềm ẩn bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái"
- 24-12-2022Chờ đợi “bắt đáy” bất động sản có thể đánh mất cơ hội?
Nhân viên... ngồi chơi xơi nước chờ hết ngày
Ghi nhận về công việc trong ngành bất động sản (BĐS) cho thấy, làn sóng doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, giảm lương khá phổ biến. Nhiều nhân sự không nằm trong diện sa thải nhưng cũng xin nghỉ việc vì thu nhập giảm mạnh, không đủ mưu sinh.
Anh Nguyễn Trần Phương (Hà Đông, Hà Nội) than thở: “Không biết khi nào BĐS sôi động trở lại. Tôi làm môi giới ngồi chơi cả năm nay, chẳng có khách nào hỏi mua cũng không khách nào muốn bán”.
Anh Phương tâm sự, hiện anh đang làm cho công ty BĐS có trụ sở ở Cầu Giấy (Hà Nội), hàng ngày đi hàng chục km từ nhà đến công ty cũng chỉ cùng đồng nghiệp pha trà, uống nước, rồi chơi game cho hết ngày. Trước đó 2 năm vào 2020, 2021, anh thường xuyên lái xe đi các tỉnh để tìm đất, lúc nào điện thoại “online” để chốt cọc, nhưng năm 2022 thì rảnh rỗi cả năm.
Nguồn cung trên thị trường BĐS hạn chế và hiện trạng thị trường ảm đạm đã khiến môi giới BĐS không có thu nhập nghỉ việc, chuyển nghề. Đây có thể nói là giai đoạn khó khăn chung của thị trường BĐS và hoạt động kinh doanh BĐS.
Anh Nguyễn Quốc Lập (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, cuối năm 2020, anh lập văn phòng giao dịch BĐS với mục đích giao dịch đất nền, đất thổ cư khu vực phía Tây Hà Nội. Thế nhưng hoạt động giao dịch chỉ sôi động cuối năm 2020, đến giữa năm 2021 bắt đầu chững lại nên văn phòng của anh Lập cũng chững theo. Không chỉ văn phòng của anh Lập, hầu hết các văn phòng giao dịch BĐS nhỏ lẻ hiện đều “cửa đóng then cài” hoặc có mở cửa thì cũng cầm chừng, không còn cảnh khách ra vào tấp nập.
Chủ doanh nghiệp lao đao
Tâm sự của các nhà môi giới cũng là nỗi niềm của rất nhiều chủ doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản trong thời điểm hiện tại. Đơn cử như trường hợp của Công ty Bất động sản Đất Vàng (có trụ sở ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Đại điện DN này cho hay, thường các tháng của quý III, quý IV là thời điểm mà các công ty môi giới BĐS nhiều việc nhất, nhân viên làm việc bận rộn, không nghỉ. Vậy nhưng, bước vào quý IV/2022, DN này buộc phải cắt giảm nhân sự để cân đối chi tiêu.
Kể rõ hơn, đại diện DN cho biết, DN nhận phân phối hàng loạt sản phẩm địa ốc xây thô nằm trên địa bàn quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức (Hà Nội) của những chủ đầu tư uy tín. Vậy nhưng, kể từ đầu năm 2022, các chính sách về dòng tiền được nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể là siết room tín dụng ngân hàng vào BĐS, cùng với đó là thị trường trái phiếu DN gặp nhiều biến động, khó khăn. Đây là 2 nguồn dòng tiền chính, cũng là quan trọng nhất đối với thị trường BĐS. Và hệ lụy là thị trường BĐS cuối năm 2022 trầm lắng.
Đại diện một số tập đoàn kinh doanh BĐS lớn thừa nhận, thị trường khó khăn nên việc triển khai dự án cũng bị lùi lại. Chẳng hạn với Tập đoàn Đất Xanh, công ty này đã phải dời kế hoạch triển khai một số dự án trong quý III và quý IV/2022 sang năm 2023. Năm 2022, Đất Xanh đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lần lượt là 11.000 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng lần lượt 9,03% và 20,98% so với thực hiện năm 2021. Nhưng sau 9 tháng đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, trong nửa đầu năm 2022, thị trường BĐS có hiện tượng phát triển nhanh về giá, cũng như lượng giao dịch ở nhiều phân khúc bất động sản và tại nhiều địa phương trên cả nước kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản. Từ đó thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, đến quý III/2022, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch BĐS giảm rõ rệt. Dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch BĐS giảm, số lượng môi giới BĐS cũng giảm theo. Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, khoảng 30%.
Nêu lên giải pháp giải tỏa khó khăn cho thị trường BĐS, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách đặc thù hỗ trợ thị trường BĐS giúp thị trường này có xu hướng tích cực hơn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) nêu quan điểm, năm tới được coi là "cơ hội vàng" để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS bởi Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực để ngành BĐS phục hồi.
Đại đoàn kết