MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản “cõi âm” sốt xình xịch, đừng bất ngờ khi cổ phiếu mai táng Hải Phòng “cháy hàng”

10-02-2017 - 09:09 AM | Doanh nghiệp

Ngành kinh doanh dịch vụ mai táng tại Việt Nam đang hứa hẹn đầy tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi các doanh nghiệp phát triển loại hình này.

Những ngày gần đây, sự kiện CTCP Phục vụ mai táng Hải Phòng (CPH) lên sàn chứng khoán đã nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Trong 2 phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM, cổ phiếu CPH đã có dư mua trần lên tới hàng trăm nghìn đơn vị nhưng không hề có bất kỳ một lệnh bán ra nào xuất hiện.

Dù vậy, việc CPH “cháy hàng” thực ra không quá bất ngờ bởi đây là cổ phiếu khá “độc” với với ngành kinh doanh dịch vụ mai táng đang hứa hẹn đầy tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam.

Doanh nghiệp chi nghìn tỷ vào bất động sản “cõi âm”

Câu chuyện cổ phiếu CPH “cháy hàng” sau khi lên sàn cũng cho thấy nhà đầu tư nói riêng và xã hội nói chung luôn dành sự quan tâm lớn tới các vấn đề “hậu sự”. Nhận ra nhu cầu lớn từ xã hội, trong những năm qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã chi hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư vào bất động sản “cõi âm” và các hoạt động liên quan như xá lợi, vàng mã…

Tại huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, CTCP Đầu tư thương mại Toàn Cầu đã đầu tư khu công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên nằm trên khuôn viên 9 quả đồi rộng 98 ha. Vốn đầu tư giai đoạn một của dự án lên tới 1.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP đầu tư xây dựng Thiên Đức cũng đã đầu tư 700 tỷ đồng vào khu Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên tại Phú Thọ; CTCP Hợp Lực của Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ (Bầu Đệ) cũng đã đầu tư 136 tỷ đồng vào dự án Đài hóa thân hoàn vũ Phúc Lạc Viên tại Thanh Hóa.

Tại ĐHCĐ bất thường diễn ra vào tháng 9/2016, CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (FID) đã thông qua kế hoạch xây dựng công viên nghĩa trang Tịnh Độ Viên – Hòa Bình nằm trên trục đường Láng Hòa Lạc, cách Hà Nội 40m với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2016, Navibank Securities (NVS) đã thông qua kế hoạch đầu tư góp vốn thành lập CTCP Linh ngọc Xá Lợi Sarira Việt Nam với vốn điều lệ 33 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, CTCP Linh Ngọc Xá Lợi Sarira Việt Nam là công ty có dự án đầu tư vào lĩnh vực chuyển hóa xá lợi (hạt nhỏ có dạng viên tròn sau khi hỏa táng người chết).

Ngoài ra, trong những năm qua đã xuất hiện khá nhiều công viên nghĩa trang lớn, quy mô hàng trăm tỷ đồng trải dài khắp Việt Năm như An Viên Vĩnh Hằng (Đồng Nai), Sơn Trang Tiên Cảnh (Tây Ninh), Hoa viên nghĩa trang (Bình Dương)…

Tiềm năng tăng trưởng lớn từ chính sách hỗ trợ

Trước đây, phần lớn nghĩa trang tại Việt Nam đều là công trình công cộng do Nhà nước, chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2008 quy định về hoạt động xây dựng, quản lý nghĩa trang trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, việc xây dựng và khai thác nghĩa trang sẽ chính thức là một ngành kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp có quyền xây dựng và kinh doanh nghĩa trang với nhiều ưu đãi đặc biệt.

Tinh thần chung của Nghị định là đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng và khai thác nghĩa trang. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang và khai thác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang sẽ được Nhà nước dành cho những hỗ trợ rất lớn như Cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất; Hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào; Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tuỳ theo quy mô, hình thức đầu tư, công nghệ được áp dụng và tác động đến môi trường của dự án; Hỗ trợ đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích việc xây dựng các nghĩa trang phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau – tức không phân biệt nghĩa trang của địa phương này, địa phương khác, người chết từ nơi này có thể đem đi an táng ở địa phương khác. Điều này tạo nên sự cạnh tranh về chất lượng giữa các nghĩa trang và hình thành một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, trong tương lai khi việc mai táng, hỏa táng được quy hoạch cụ thể sẽ mở ra triển vọng phát triển của ngành rất lớn cả về quy mô và chất lượng.

Theo báo cáo của Euromonitor, quy mô ngành công nghiệp phục vụ “cõi âm” tại Trung Quốc năm 2013 lên tới 93,5 tỷ Nhân dân tệ (15,4 tỷ USD) và sẽ không ngừng tăng trong những năm tới. Nhìn sang quốc gia láng giềng với nền văn hóa có phần tương đồng, có thể thấy ngành kinh doanh này thực sự là mảnh đất màu mỡ với các doanh nghiệp Việt Nam nếu như biết tận dụng khai thác.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên