MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản còn lý do để tăng giá?

12-07-2022 - 09:51 AM | Bất động sản

Bất động sản còn lý do để tăng giá?

Chuyên gia cho rằng, ở thời điểm này, nếu như bất động sản còn tăng ở một nơi nào đó thì đó chỉ có thể là hiện tượng thổi giá. Và năm nay, những yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản lên như hai năm qua đã không còn nữa.

Thị trường bất động sản đang nóng bỗng “nguội lạnh”

Mới chỉ cuối năm 2021, thị trường bất động sản ở các địa phương vẫn liên tục lên cơn sốt đất như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, vùng ven Hà Nội,.... Thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không còn diễn ra những cảnh nhà đầu tư xếp ô tô hàng dài để xem, mua đất, thay vào đó là tâm lý thăm dò, phòng thủ ngày càng lên cao. Mặc dù bây giờ vẫn chưa xảy ra tình trạng bán tháo, nhưng hiện tượng lệch pha cung - cầu đã có, người mua ít nhưng người bán nhiều. Thậm chí, có nhà đầu tư dù đã cọc tiền nhưng chấp nhận mất cọc.

Anh Nguyễn Khải, môi giới tại Bắc Giang cho biết, thời gian qua, thị trường khu vực vắng bóng người mua, khác hẳn so với những gì diễn ra trong năm 2021. 

“Năm ngoái, cứ có lô đất nào đẹp là hết ngay lô đấy, những lô ở vị trí xấu cũng bán ầm ầm, chỉ là thời gian lâu hơn. Nhưng nay thì khác, cả tháng nay văn phòng tôi không có giao dịch nào. Thị trường bắt đầu hạ nhiệt, thanh khoản khó hơn. Chỉ có những lô đất nằm ở vị trí đắc địa thì vẫn có người hỏi nhưng họ muốn giảm giá thêm. Đa phần, nhà đầu tư vẫn đang thăm dò động thái tiếp theo của thị trường bất động sản”, anh Thế thừa nhận.

Bất động sản còn lý do để tăng giá? - Ảnh 1.

Tại Bắc Ninh, năm 2021, thông tin Từ Sơn lên phố và quy hoạch hạ tầng đã kéo giá đất khu vực liên tục tăng cao. Trong thời gian ngắn, nhiều mảnh đất đã tăng gấp 2 - 3 lần.

Tuy nhiên, đến nay, thị trường này cũng rơi vào tình trạng tương tự các khu vực khác. Theo anh Bình, môi giới Bắc Ninh, trong giai đoạn sốt, nhà đầu tư từ Hà Nội, Hải Dương và tại khu vực mua bán tấp nập khiến giá đất khu vực liên tục tăng đột biến.

“Nhiều người suy nghĩ cứ có đất là ra nhiều tiền nên trong giai đoạn sốt, giá đất dù tăng cao vẫn mua bất chấp. Mỗi lần nhà đầu tư sang tay nhau lại thiết lập mặt bằng giá mới. Nên khi đó, nhiều người chỉ nhìn thấy câu chuyện lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, đến nay, thanh khoản khó, nhiều người dù đã cọc tiền nhưng phải bỏ. Một phần vì không lướt sóng được, một phần cũng vì khó vay tiền để ôm vào”, anh Bình nói.

Ngay cả vùng ven Hà Nội, các môi giới bất động sản cũng phải thừa nhận thị trường đang chững lại, người bán nhiều nhưng người mua thì ít. Cá biệt, đã có những trường hợp vì run tay chấp nhận cắt lỗ, tuy nhiên chưa xuất hiện hiện tượng bán tháo.

Những yếu tố đẩy giá bất động sản đã không còn

Theo nhận định của ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn, đất nền là dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu đầu tư nên việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào bất động sản và siết hoạt động phân lô, bán nền tại nhiều địa phương đã đánh mạnh vào đối tượng đầu cơ, đầu tư khiến giao dịch đất nền, đất nông nghiệp giảm mạnh.

Ông Lê Đình Hảo, Quản lý kinh doanh cấp cao Batdongsan.com.vn cho biết, trong hai năm qua, giá bất động sản đã tăng rất cao. Theo đó, khi giá tăng cao sẽ có những nguy cơ bất ổn cho thị trường, đơn cử như bong bóng xuất hiện cục bộ tại một số nơi. Trong thời gian vừa qua tại miền Bắc cũng xuất hiện một số nơi có mức giá rao bán đất tăng mạnh như Hòa Bình tăng 47%, Ba Vì tăng 52%, Bắc Giang tăng 38%.

“Nếu không có công cụ điều tiết thì thị trường sẽ bị lũng đoạn về giá, đặc biệt là giữa các nhóm đầu cơ. Và do đó, bong bóng bất động sản có nguy cơ xảy ra. Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã kịp thời đưa ra các công cụ điều tiết giúp thị trường hạ nhiệt. Sắp tới, Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng sẽ tác động rất lớn đến ngành bất động sản. Nghị quyết này cũng là niềm hy vọng cho những người thu nhập thấp ở đô thị có cơ hội để tiếp cận được với nhà ở”, ông Hảo nhấn mạnh.

Bất động sản còn lý do để tăng giá? - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng, giá bất động sản đã tăng nóng trong hai năm vừa qua, không riêng gì tại Việt Nam mà tăng trên toàn thế giới. Giá bất động sản toàn cầu tăng trung bình 6 – 7% trong giai đoạn 2020 - 2021. Bởi vì dòng tiền rẻ, lãi suất thấp, cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh ít và bởi vì chứng khoán tăng mạnh nên nhiều người mới đua nhau đổ tiền vào bất động sản.

“Tuy nhiên, năm nay khác. Ở thời điểm này, nếu như bất động sản còn tăng ở một nơi nào đó thì đó chỉ có thể là hiện tượng thổi giá. Năm nay, những yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản lên như hai năm qua đã không còn nữa. Trừ khi pháp lý đã được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư,… Chưa kể Chính phủ và các địa phương cũng đang có động thái, chính sách điều tiết giúp cho thị trường trở về giá trị thật”, vị này nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng, về lâu dài, Việt Nam nên đánh thuế bất động sản thứ hai, thứ ba,… vì một thị trường lành mạnh và để theo thông lệ quốc tế, không thể một mình một chợ. Đây cũng là một cách để phân bổ thu nhập cho nền kinh tế và làm giảm tình trạng đầu cơ.

https://cafef.vn/bat-dong-san-con-ly-do-de-tang-gia-20220711215038785.chn

Minh Tâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên