Bất động sản đóng băng: Môi giới 'rụng' như... sung
Thị trường bất động sản đóng băng đang cùng lúc chứng kiến cảnh thanh lọc môi giới nhiều như hiện nay. Nghề môi giới vốn dĩ chỉ có lương ít ỏi còn cơ bản trông vào sống bằng “hoa hồng” mỗi khi chốt được khách mua căn. Nhiều công ty cho môi giới nghỉ việc và số còn lại sống lay lắt vì thỉnh thoảng mới bán được hàng.
- 20-03-2023Môi giới bất động sản tạm giải nghệ kể chuyện "kiếm" một chiếc ô tô chỉ trong 1 tháng: “Nghề môi giới đã thay đổi cuộc sống tôi”
- 16-03-2023Chuyện thật như đùa: “Sống” được nhờ giao dịch đất ngộp, môi giới bất động sản thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng
- 14-03-2023Môi giới bất động sản: Người bỏ nghề, người mệt mỏi vì nhiều tháng đi đòi tiền “hoa hồng”
Không lương, không thu nhập
Làn sóng môi giới nghỉ việc bắt đầu từ những tháng trước Tết năm 2023. Nhiều sàn giao dịch cho 50% môi giới nghỉ việc không lương.
Tuy nhiên, trước đó, các môi giới cũng không nhận được lương trong nhiều tháng do không có “hàng” để bán. Sang đến năm 2023, tình hình môi giới cũng không khả quan hơn khi số lượng môi giới tự bỏ nghề gia tăng.
Là người có hơn 10 năm kinh nghiệm môi giới từ khi ra trường, chị Nguyễn Thị Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, bản thân mình làm “sale” bất động sản cứng tại một doanh nghiệp lớn trên cả nước.
Tuy nhiên, để tồn tại được với nghề trong giai đoạn khó khăn này, chị Tân chủ yếu bán hàng khắp các tỉnh thay vì ngồi chờ bán hàng của công ty.
“Chúng tôi có một đội riêng mỗi người giỏi một khâu. Người phụ trách tìm kiếm khách hàng trên nhiều kênh, người chắp nối với các dự án…Chúng tôi bán mọi phân khúc và mọi địa bàn nếu khách có nhu cầu”, chị Tân nói.
Tuy nhiên, chị Tân chia sẻ, do thị trường khó khăn vì khách không dám xuống tiền nên khi chốt được một căn cũng là cả quá trình thuyết phục giữa bên bán và bên mua. Thậm chí, môi giới chấp nhận “ăn” ít hoa hồng đi để có thể bán được nhanh hàng.
“Chưa bao giờ, tôi bán một căn biệt thự hàng chục tỷ đồng mà hoa hồng thu về hơn 5 triệu đồng nhưng vẫn phải làm vì nếu không lấy gì trang trải cuộc sống”, chị Tân nói.
Cũng là môi giới của một sàn giao dịch nhỏ ở huyện Mê Linh, Hà Nội, anh Đình Đăng cho biết, bản thân toàn bộ nhân viên môi giới 8 người tại sàn đều không có lương mà chủ yếu sống bằng tiền “hoa hồng” của khách bán.
“Chúng tôi chỉ là sàn nhỏ nên không có hàng từ công ty nên chủ yếu nhận giao dịch mua đi, bán lại giữa các khách với nhau. Từ tết đến nay tôi chưa “chốt” được căn dù dự án tôi bán đang hoàn thiện nhà cho khách. Không lương, không thu nhập nhưng khi có khách hỏi tôi vẫn phải nhiệt tình dẫn khách đi xem dự án”, anh Đăng nói.
BĐS còn khó khăn
Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc Cty Đất Xanh miền Bắc chia sẻ, nhân sự của công ty giảm khoảng 50%. “Với nhân sự còn lại, công ty vẫn tiếp tục tìm nguồn hàng mới lẫn những nguồn hàng tồn kho để anh em bán hàng. Thị trường đúng là căng thẳng, cực kỳ khó khăn nhưng vẫn có giao dịch, vẫn có cơ hội nên các nhân viên bán hàng nỗ lực bám trụ vẫn tìm kiếm được khách hàng đầu tư”, ông Quyết nói.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, dự đoán thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn, chưa thể phục hồi nhanh khi các vướng mắc pháp lý, dòng vốn chưa được tháo gỡ. Công ty đã chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh, chấp nhận lỗ sáu tháng, thậm chí một năm nuôi quân, chuẩn bị tốt lực lượng để khi thị trường phục hồi, có nguồn hàng mới thì sẵn sàng bán hàng ngay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho biết theo thống kê của hội, giai đoạn 2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp phải đóng cửa, rất nhiều công trường, dự án ngừng hoạt động, doanh nghiệp mới xuất hiện không đáng kể. Trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang việc khác kiếm sống.
Tuy nhiên, số đông môi giới bỏ cuộc thường là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Những công ty môi giới phải đóng cửa vì không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường, không đủ năng lực về tài chính lẫn kế hoạch kinh doanh.
“Các DN không nên sa thải ồ ạt nhân viên vì khi thị trường phục hồi, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn. Qua giai đoạn nút thắt này, những môi giới “sống sót” được sẽ là người chiến thắng. Đồng thời, thị trường sẽ chọn lọc những DN đầu tư và đơn vị môi giới có cơ chế vận hành hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và khả năng thích ứng nhanh, qua đó phát triển bền vững hơn”- ông Đính nói.
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù lực lượng tham gia rất hùng hậu với trên 300.000 người nhưng những người môi giới BĐS thực sự qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ có khoảng 30.000 người, nghĩa là chỉ bằng 1/10 con số thống kê, chiếm khoảng 10%.
Tiền phong