Bất động sản liên tục rớt giá, ngân hàng chật vật xử lý nợ
Ảnh minh hoạ
Nhiều BĐS phải rao bán nhiều lần, dù phía ngân hàng chấp nhận cắt lỗ, giá bán thấp hơn đáng kể so với nợ gốc vẫn rơi vào tình trạng “ế khách”. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, thanh khoản yếu thì việc thanh lý nhà đất để thu hồi nợ của các nhà băng cũng hết sức chật vật.
- 17-12-2022Động thái mới của NHNN, tỷ giá sẽ ra sao trong thời gian tới?
- 17-12-2022Vàng, USD quay đầu bật tăng giá
- 17-12-2022Chuyên gia chỉ ra 6 thách thức với ngân hàng Việt Nam năm 2023
VietinBank mới đây tiếp tục thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Vận tải & Thương mại Thành Đạt lần thứ 8. Khoản nợ tính đến ngày 24/11/2022 là hơn 23,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 12,47 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ bao gồm nhiều bất động sản tại xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra còn có máy đào, máy ủi, máy xúc, xe ô tô tải, xe ô tô con thế chấp cho khoản nợ này.
Ở lần đấu giá thứ 8, VietinBank đưa ra mức giá khởi điểm 12,5 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn một chút so với dư nợ gốc. Đáng chú ý, mức giá này đã giảm mạnh so với mức 24,2 tỷ đồng đưa ra hồi giữa năm nay, tức chỉ sau 6 tháng đã giảm gần một nửa.
Thêm một khoản nợ khác cũng được VietinBank rao bán đến lần thứ 8 vẫn chưa thành công. Đó là khoản nợ của Công ty Cổ phần TMĐT Tân Hương, với giá trị đến 16/8/2022 tới 327 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc là 99 tỷ đồng, lãi quá hạn 170 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là 57,7 tỷ đồng).
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Tân Hương là 6 Quyền sử dụng đất tại Khu 6, Khu 7 phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng, ngoài ra còn có nhà và đất ở tại phố Lãn Ông, phường Phan Bội Châu, quân Hồng Bàng, TP. Hải Phòng. Bên cạnh, tài sản bảo đảm còn có toàn bộ hệ thống nhà xưởng, vật kiến trúc xây dựng trên đất và máy xúc, hàng hóa sắt thép các loại.
Giá khởi điểm của khoản nợ Công ty Tân Hương là gần 70,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 119,7 tỷ đồng cách đây 3 tháng. Như vậy, VietinBank đang rao bán khoản nợ với mong muốn chỉ cần thu được một phần nợ gốc và chấp nhận bỏ qua toàn bộ phần nợ lãi.
Thậm chí, một khoản nợ đã được VietinBank rao bán đến lần thứ 10, là khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng – Sản xuất – Thương mại Xuất Nhập khẩu Tân Âu Cơ, có giá trị đến 5/12 là 123 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc chỉ 29,6 tỷ đồng. Trong khi đó, giá khởi điểm chỉ 27,45 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 3 bất động sản nhà ở tại TP.HCM.
Tại BIDV chi nhánh Bình Tân - TP.HCM, ngân hàng cũng vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 7 với lô đất 236,2m2 tại 2791 Huỳnh Tấn Phát, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, giá khởi điểm 16 tỷ đồng, giảm hơn 5 tỷ so với lần đầu rao bán cách đây 5 tháng, tức giảm khoảng 25%.
Đa phần tài sản thế chấp cho các khoản nợ hiện nay đều là bất động sản do giá nhà đất thường có xu hướng tăng trong dài hạn, giúp nhà băng đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, bất động sản có đặc tính cố định nên không thể di dời như các động sản, theo đó ngân hàng dễ dàng thực hiện quá trình thẩm định, giám sát trong và sai khi cho vay. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu loại tài sản này cũng rõ ràng, nhờ đó việc xác nhận chủ sở hữu hay người sử dụng tương đối nhanh chóng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc rao bán bất động sản không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có thể thấy, rất nhiều tài sản phải rao bán nhiều lần, thậm chí dù phía ngân hàng chấp nhận cắt lỗ, giá bán thấp hơn nhiều so với nợ gốc vẫn rơi vào tình trạng “ế khách”.
Đặc biệt, những tài sản phát mại là bất động sản, đi kèm với các tài sản động sản khác như nhà xưởng, máy móc, phương tiện sẽ càng khó thanh lý hơn vì “kén” người mua. Thêm vào đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, thanh khoản yếu thì việc thanh lý nhà đất để thu hồi nợ của các nhà băng cũng hết sức chật vật.
Nhịp sống thị trường