MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản nghỉ dưỡng ăn theo lễ hội

Rất nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng –Hội An đang gấp rút thi công để đón đầu sự kiện APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu năm 2017.

Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn HB Group, một trong những lý do quan trọng gấp rút hoàn thiện giai đoạn I của dự án New Hội An City là để vận hành kịp lúc ở thời điểm đầu năm 2017, nhằm đón đầu sự kiện “Tuần lễ cấp cao” của Diễn đàn hợp tác Kinh tế - Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng.Sự kiện này thu hút người đứng đầu 21 nền kinh tế thành viên APEC, các lãnh đạo cấp cao hay các đoàn tùy tùng và tập đoàn và hơn 1.000 công ty tham gia.

Đây cũng chỉ mới là giai đoạn đầu của dự án này, khi đi vào hoàn thiện, dự án có quy mô 1,5 tỉ USD này còn hướng tới tiềm năng du lịch lớn hơn ở Hội An. Không chỉ có New Hội An City, gần đây dự án Nam Hội An cũng được triển khai trở lại tại Hội An sau một thời gian ngưng trệ vì kinh tế suy thoái. Các công trình phục vụ APEC như sân bay Đà Nẵng mở rộng, trung tâm hội nghị quốc tế, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng…đang rầm rộ thi công.

Mô hình đang phát triển có thể thấy rõ 3 đặc trưng đó là biệt thự hướng biển cao cấp, tổ hợp dịch vụ tiện ích kèm theo và chọn nơi có khả năng phát triển lễ hội. Mô hình này không mới và khá thành công ở Thái Lan, nơi được cho là đi trước Việt Nam khoảng chừng 10 năm, vậy Việt Nam thì sao?

Sự chuyển mình của Hội An

Nơi thấy rõ nhất điều này là ở Hội An, lễ hội diễn ra quanh năm, từ lễ hội cổ truyền do nhân dân và cộng đồng tự tổ chức đang dần được phục hồi, đến các lễ hội mang sắc màu hiện đại hơn, như lễ hội đón Tết Dương lịch, lễ hội đón giao thừa thiên niên kỷ, lễ hội Văn hoá - Thể thao miền biển, Festival ẩm thực quốc tế Hội An, Văn hóa tơ lụa Việt Nam- châu Á…

Thống kê chung cho thấy hàng năm trên địa bàn Hội An có hơn 100 lễ hội gồm 80 lễ hội cổ truyền và 20 lễ hội đương đại. Các lễ hội khiến nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch.

Theo số liệu thống kê của Vietdata, ngoại trừ 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Tp.HCM và Hà Nội, Quảng Nam xếp thứ 2 về số lượng du khách (2 triệu người) sau Quảng Ninh (có Vịnh Hạ Long), danh sách tiếp theo bao gồm Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Đặc trưng văn hóa khiến các địa phương đều có những mùa lễ hội riêng. Ví dụ, Huế thì di sản của nền văn hóa phong kiến, Nha Trang thì lễ hội biển, Đà Lạt thì hoa, miền Tây thì có lễ hội trái cây. Còn Hội An ngày nay không chỉ đón nhận những du khách yêu di sản văn hóa, mà còn cả những du khách yêu biển. Nhiều bãi biển đẹp mới được phát hiện gần đây như bãi biển An Bàng, mới gần đây được TripAdvisor đã xếp vào TOP 25 bãi biển đẹp nhất Châu Á.

Đó cũng là một trong những lý do vì sao các dự án ven biển ở Hội An đang hút nhà đầu tư trở lại, nổi lên trong số đó là dự án New Hội An City, nằm ở bãi biển An Bàng và chạy dài theo con đường resort ven biển kéo dài từ Đà Nẵng đến Hội An, khiến khu vực này đang chuyển mình thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp.

Bài học từ Phuket

Ở Thái Lan, có lễ hội té nước với quan niệm “càng ướt thì càng hạnh phúc” rất nổi tiếng. Không chỉ người Thái, số lượng du khách nước ngoài đến tham dự lễ hội này ngày càng nhiều hơn, tăng 21% so với năm ngoái (hơn 440.000 lượt du khách) chỉ trong vòng 4 ngày trong tháng 4 vừa qua.

Điểm đến quan trọng trong lễ hội Songkran theo thống kê là ở Chiang Mai, Chiang Rai, Khon Kaen và Bangkok vì đây là những nơi dễ di chuyển với quãng đường ngắn. Tuy nhiên, một thống kê khác cho thấy các địa điểm cũng hấp dẫn không kém là PhuKet, Krabi và Koh Samui, có điểm chung đều là những khu nghỉ dưỡng ven biển. Điều này hàm ý các bất động sản ven biển đang được hưởng lợi từ sự kiện chung của nền văn hóa.

Tại Phuket, có hai loại hình kinh tế đóng góp quan trọng vào sự phát triển nơi đây, đó là du lịch và bất động sản. Năm ngoái, lượng du khách đến Phuket đạt mức kỉ lục 6,24 triệu người, có gần một nửa trong số đó là khác nước ngoài, bất chấp tình hình chính trị không ổn định và nguy cơ an ninh.

Những khu biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng tồn tại là nhờ Phuket cung cấp một bãi biển chất lượng, bên cạnh du thuyền, sân golf, các sàn bán lẻ và khu giải trí. Đây là động lực chính của thị trường khu nghỉ dưỡng.

Hơn nữa, do bị giới hạn về số lượng nên giá chào bán đất ven biển là rất cao. Do đó, phần lớn các sản phẩm đều là cao cấp và hướng đến mục tiêu là người nước ngoài. Theo thống kê, phần lớn những người mua siêu dự án tại Phuket là người nước ngoài ở Châu Á, chủ yếu là Hongkong, Singapore và Thượng Hải. Họ mua biệt thự tại đây như là ngôi nhà thứ 2, hoặc là nơi nghỉ ngơi thường niên hoặc để dành khi về hưu.

Ngoài yếu tố vị trí mặt biển, một yếu tố quan trọng khác là các biệt thự, khách sạn này đều được quản lý dưới thương hiệu quốc tế. Quy mô biệt thự phải đủ rộng, đi cùng với tiện ích hiện đại và đầy đủ, bao gồm các cơ sở mua sắm và giải trí riêng.

Nhờ đó, sau nhiều năm giá bất động sản tại Phuket lại tăng lên mạnh mẽ. Biệt thự thuộc loại cao cấp 10 năm trước bán giá 3-5 triệu USD mỗi căn thì giờ giá không dưới 8 triệu USD. Theo thống kê của Knight Frank, trong giai đoạn 2012-2014 không có siêu dự án nào được tung ra, thì đến năm 2015 có thêm các dự án mới, với giá bán từ 7,5 – 15 triệu USD. Năm 2016 các dự án này thậm chí có thể bán lại với giá 20 triệu cho mỗi đơn vị. Nhìn chung, giá của những siêu dự án ra mắt trong giai đoạn này tăng 120% so với trong giai đoạn 2007 – 2011.

Cùng với bài học Phuket, xu hướng này cho thấy tiềm năng bất động sản ven biển Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là thu hút khách du lịch nước ngoài trong một tương lai đủ dài 10 năm.

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên