Bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối năm nay sẽ diễn biến thế nào?
Sáng nay (15/5), hội thảo "Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019" đã được Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức tại Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, bất động sản nghỉ dưỡng đã có một quá trình phát triển khá nhanh từ 2014 tới nay nhờ khả năng tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, trung bình khoảng 30% mỗi năm.
Theo đó, từ 2014 tới nay, nguồn cung các bất động sản du lịch như biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, condotel đã tăng lên khá cao, trước hết tại các địa phương có tiềm năng du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phú Quốc, sau đó đã chuyển sang các địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa có nhiều dự án đầu tư như Vân Đồn, Sầm Sơn, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết...
Theo ông Võ, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã áp dụng cơ chế bán bất động sản hình thành trong tương lai để thu hút vốn đầu tư từ khu vực cá nhân vào phát triển bất động sản. Hơn nữa, các nhà đầu tư dự án bất động sản còn đưa ra nhiều chính sách riêng để thu hút đầu tư như trao đổi kỳ nghỉ, cam kết lợi nhuận từ kinh doanh...
Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho hay, bất động sản nghỉ dưỡng là ngành liên quan và chịu tác động trực tiếp từ tình hình thế giới. Người mua bất động sản nghỉ dưỡng, bên cạnh người trong nước còn có người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Với các nhà đầu tư cá nhân, ông Hiếu cho biết đối tượng phù hợp với bất động sản nghỉ dưỡng là người có tiền. Người có nhu cầu đầu tư cần chọn chủ đầu tư uy tín và có khả năng tài chính; chọn dự án có vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng đầy đủ; chọn khu vực và dự án được thiết kế và xây dựng phù hợp với phong cách quốc tế; chọn các dự án đang được thiết kế và xây dựng theo mô hình thành phố thông minh. Nhà đầu tư cần lên kế hoạch tài chính phù hợp để đảm bảo khả năng mua hay tài trợ bất động sản.
Ông Hiếu cũng lưu ý các nhà đầu tư cần đưa ra một bài toán tài chính cẩn trọng, cần sự tư vấn của chuyên gia tài chính và pháp lý. Với các nhà đầu tư dùng bất động sản để kinh doanh thì sử dụng phương pháp tính giá trị hiện tại của dòng tiền tạo ra từ kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: "Condotel phải được xem là bất động sản kinh doanh, tất cả các chính sách kinh doanh, thuế, phải dựa trên đó là sản phẩm kinh doanh....kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý còn lấn cấn để ngân hàng yên tâm khi nhận thế chấp dự án, người mua nhà an tâm về quyền sở hữu".
Đánh giá về triển vọng thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2019, PGS TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng dự báo, dòng đầu tư đổ vào Việt Nam có thể tăng lên trong thời gian tới, tạo ra sức cầu rất lớn cho bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
"Việt Nam được đánh giá miền đất đáng tin cậy của nhà đầu tư. Cùng với đó, dự báo năm nay du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt sẽ tác động tích cực lên thị trường bất động sản du lịch. "Chúng ta có cơ sở để lạc quan nhưng cần phải thận trọng", ông Thiên phát biểu.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2018 có khoảng 8.000 căn condotel đủ điều kiện mở bán ở các địa phương phát triển du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hoà. Quý I/2019, xu hướng mở bán condotel thì phía Nam cao hơn, giao dịch tốt hơn hơn phía Bắc. Mặc dù số lượng giao dịch ít nhưng giá trị giao dịch rất cao.
Dự báo về thị trường bất động sản nghi dưỡng những tháng cuối năm, ông Khởi cho biết nửa cuối năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, tiềm năng còn rất lớn do nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Thứ hai, Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện một số loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới như du lịch tham quan, du lịch chữa bệnh, du lịch kết hợp hội thảo hội nghị, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm. Đây là những loại xu hướng du lịch mới. Thứ ba, pháp lý bất động sản đã rõ ràng hơn so với thời điểm những năm trước chỉ là có một số quy định chưa đầy đủ. Thứ tư, sự chủ động của địa phương kêu gọi đầu tư vào du lịch rất lớn. Thứ năm, xu hướng đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư rất lớn. Thứ sáu, chính sách của Chính phủ coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn sẽ là cơ hội.
Đặc biệt, ông Khởi dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ theo 3 xu hướng một số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, căn hộ khách sạn vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư, đón bắt nhiều dòng tiền. Xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn, tính toán hơn về các sản phẩm nghỉ dưỡng. Nhiều địa điểm khu vực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng phong phú hơn, đa dạng sản phẩm hơn.
Bên cạnh đó, ông Khởi cho hay, khó khăn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thứ nhất, không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ về cách thức, quy định pháp lý của các loại hình đầu tư. Thứ hai, một số quy định pháp lý chưa rõ ràng, hiện nay Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét dự kiến sủa luật đất đai nên thời gian đương nhiên chậm. Nguồn vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng bị siết chặt hơn. Nhìn nhận về phát triển du lịch Việt Nam cũng khác trước đây, không phát triển ào ào nữa mà buộc phải bảo vệ môi trường nên có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.