Bất động sản “ngộp” giảm 30% vẫn chưa hấp dẫn người mua
Ngay cả khi người bán giảm tới 30% so với giá chào ban đầu, người mua vẫn dửng dưng.
Tháng 3/2021, anh Thanh Hưng (nhà đầu tư tay ngang ở Hà Nội) mua lô đất thổ cư tại Cẩm Giàng (Hải Dương) với giá 1,1 tỷ đồng, chỉ cách khu công nghiệp Phúc Điền 800m. Đến giữa năm 2022, anh Hưng dồn tiền mua căn nhà đất tại Hà Nội với giá 3,8 tỷ đồng. Đúng thời điểm này, lãi suất tăng cao. Với khoản vay 1,8 tỷ đồng, anh Hưng nhẩm tính, mỗi tháng, số tiền lãi gốc có thể lên tới gần 30 triệu đồng, tương đương với mức lương làm nhân viên văn phòng hiện tại. Nhưng xác định có sẵn lô đất để bán, anh Hưng quyết định mua nhà.
Tháng 6/2022, anh Hưng rao bán lô đất với giá 1,6 tỷ đồng, thấp hơn so với mặt bằng thị trường 100 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng người hỏi thăm lô đất chỉ lác đác. Đến cuối năm 2022, anh Hưng quyết định giảm 300 triệu đồng tiền lô đất với kỳ vọng nhanh thu hồi tiền nhưng vẫn không tìm được khách chốt. Đến tháng 1/2023, vì cần gấp tiền để trả nợ mua nhà khi khoản nợ gốc lãi phải gồng lớn, nhà đầu tư này sẵn sàng hạ giá thêm 100 triệu đồng nếu cho khách thiện chí.
“Nhưng dù có giảm giá, chẳng có người nào mua. Thậm chí, người hỏi còn không thấy đâu”, anh Hưng nói.
Người mua dửng dưng với mức giảm 30% mà chủ đất chào bán.
Ở góc độ của người đi “săn hàng”, anh Hoàng Hiệp (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đặt mục tiêu tìm lô đất giảm sâu. Mức giảm mà anh đang đặt ra khoảng 40% so với mức giá chào ra. “Đối với đất nền, nhà đầu tư phải mua được mức giá giảm sâu thì mới có thể có lời”.
“Tháng 12/2022, tôi tìm hàng tại Hải Phòng, khu vực Thuỷ Nguyên. Một số nhà đầu tư Hà Nội đang dần cắt lỗ. Có lô đất ban đầu “hét” giá 1,3 tỷ đồng. Hai tuần sau, môi giới gọi điện giảm chào 200 triệu đồng. Thậm chí, sát Tết, môi giới thông báo: Chủ đất cần tiền gấp nên muốn giảm sâu hơn nữa. Và hỏi tôi, giá bao nhiêu mua được. Tuy nhiên, tôi không có sẵn nguồn tiền quá lớn, nên mới đợi giảm sâu thêm. Vì thời điểm 2020-2021, giá bất động sản tại khu vực này tăng rất nhanh, có khi tăng theo lần”, anh Hiệp nói.
Thị trường hiện đang xuất hiện tâm lý giằng co giữa người mua – người bán. Đối với người mua, tâm lý chờ “bắt đáy” đang diễn ra. Người mua kỳ vọng có thể giảm sâu để vào tiền. Tâm lý của người có tiền mặt, được quyền lựa chọn và tìm kiếm sản phẩm đẹp khiến người mua cẩn trọng cho quyết định xuống tiền. Thậm chí, người mua chờ đợi “cơn bán tháo” ồ ạt trên thị trường.
Trong khi đó về phía người bán, họ đang chấp nhận cắt lãi, và thậm chí cắt lỗ để thu hồi dòng tiền, xử lý khoản nợ gấp. Ở tình thế hiện tại, người bán rơi vào thế bị động khi thị trường trầm lắng.
Đánh giá về diễn biến của thị trường, ông Đỗ Quý Duy, sáng lập câu lạc bộ Nhà đầu tư bất động sản NAC cho biết, so với những phân khúc tăng nói hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022 có mức tăng giá tới 60-80%, thậm chí 100% trong vòng một năm thì mức giảm giá 20-30% gần đây chưa đủ hấp dẫn người mua. Giai đoạn điều chỉnh của thị trường có thể kéo dài 1,5-2 năm, hiện mới đi được một phần ba.
Theo ông Phạm Minh, lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc tại Hải Dương, nếu người mua đất đầu năm 2020, bán lại với mức giá đầu năm 2021. So với mức giá 2022, giá đất đầu năm 2021 đã giảm tới 25-30% thì người mua đất năm 2020 vẫn có lời. Thế nên, nếu giá bất động sản chào giảm 10-20% so với thời điểm nóng thì gần như người mua vẫn chỉ đang cắt lời.
Song, theo đánh giá giới quan sát, cơ hội cho nhà đầu tư “săn” hàng đẹp đã tới. Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam, với lãi suất cho vay cao như hiện nay, việc đầu tư bất động sản nếu sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ khó có hiệu quả, thâm chí có nguy cơ “lời” không đủ bù “lãi suất”. Vị này cũng nhấn mạnh, cơ hội với nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi đã xuất hiện. Họ có thể săn được bất động sản giám giá sâu ở vị trí đẹp mà rất khó tiếp cận. Ông Thắng nhận định: Thị trường đang diễn ra những cuộc đi săn của các nhà đầu tư có vốn mạnh đối với những bất động sản có vị trí đắc địa, thuận lợi cho thuê.
Nhịp sống thị trường