Bất động sản tâm linh - thị trường ngách đang được nhiều đại gia "nhòm ngó"
Mô hình công viên nghĩa trang hiện đại ngày càng được thịnh hành ở nước ta. Những nghĩa trang này thường được thiết kế như những công viên xanh, thậm chí như nơi tham quan, ngắm cảnh.
Ông Phan Công Chánh - chuyên gia đầu tư cá nhân cho rằng, thời gian qua, thị trường nhà đất xuất hiện nhiều biến động, dự báo còn nhiều khó đoán thời gian tới. Tuy vậy, bất động sản tâm linh vẫn tỏa ra nhiều hấp lực.
Đồng quan điểm, theo các chuyên gia, xu hướng quan tâm đến bất động sản nghĩa trang ngày càng tăng, do nhu cầu sử dụng phân khúc này hiện hữu. Ngành bất động sản tâm linh ngoài bán mét vuông tấc đất còn bán các giá trị vô hình. Đây không còn là thị trường ngách (thị trường nhánh nhỏ) mà đang sở hữu tiềm năng trở nên quy mô lớn hơn.
Vòng qua một vòng các thị trường bất động sản tâm linh hiện nay đã xuất hiện cuộc chơi của nhiều tên tuổi mới. Đặc biệt, các dự án công viên nghĩa trang đang ngày càng quy mô và cao cấp hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người mua.
Nhiều dự án nghĩa trang được thiết kế không khác một khu đô thị dành cho người sống khi có đủ cả nhà phố (mộ đơn), song lập (mộ đôi), đơn lập (mộ gia tộc), thậm chí còn có cả chung cư sau này (tường lưu tro cốt)... quy hoạch theo mô hình công viên nghĩa trang cao cấp, tính thẩm mỹ cao. Cảnh quan được thiết kế đẹp với cỏ cây xanh mướt, nước bao quanh, cùng dịch vụ 5 sao theo chuẩn nước ngoài và hệ thống xử lý khí âm.
Tại miền Bắc, một trong những mô hình công viên nghĩa trang đầu tiên là Công viên Vĩnh Hằng ở Ba Vì, Hà Nội. Dự án được triển khai từ tháng 10/2003 trên địa bàn hai xã Phú Sơn, Vật Lại. Với diện tích hơn 20ha, chủ đầu tư dành kinh phí 20 tỷ đồng để xây dựng công viên nhằm thay thế cho việc hung táng, cát táng tại nghĩa trang Văn Điển.
Tuy vậy, nghĩa trang Vĩnh Hằng mới chỉ được coi ở mức tầm trung. Năm 2017, khu vực phía Bắc xuất hiện nghĩa trang Lạc Hồng Viên (tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) có quy mô rộng lớn. Dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên được quy hoạch, thiết kế với 9 dòng suối, những dải cây xanh, những khu vườn như Thiên đàng, Địa đàng, những thảm cỏ, khu nhà chờ và tòa Bảo tháp 9 tầng.
Mới đây, dự án Công viên Nghĩa trang Thiên Đường theo tiêu chuẩn 5 sao với diện tích 24,5 ha do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại An Phát Vinh làm chủ đầu tư vừa được ra mắt thị trường tháng 12/2023. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt quy hoạch xây dựng tại xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, nơi được bao bọc bởi vành đai đền, chùa có lịch sử lâu đời.
Dự án tọa lạc trên 6 quả đồi, tuân theo quy luật ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Tại các đỉnh đồi chủ đầu tư bố trí 6 đại tượng Phật cao 20-25m. Đặc biệt, Công viên Nghĩa trang Thiên Đường dành nhiều không gian làm nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện cũng như nghi thức tâm linh như lễ cầu siêu, lễ an táng, cúng giỗ hàng năm, cung cấp hoa, nhang, đèn hàng ngày, dịch vụ mai táng, hỏa táng, thiết kế và xây dựng mộ phần, lập và lưu giữ gia phả online cho các khách hàng...
Khảo sát thực tế trên thị trường hiện nay tốc độ tăng giá của bất động sản nghĩa trang khá lớn. Có những lô bất động sản an táng tăng giá vài ba lần bởi yếu tố phong thủy. Lô đất đẹp, vượng phong thủy không căn cứ giá theo thị trường, giao dịch phụ thuộc vào ý chí bên bán và bên mua.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản an táng sẽ là một xu hướng trong thời gian tới, bởi lượng cầu lớn, Trong khi đó, nguồn cung phục vụ nhu cầu này thiếu, các nghĩa trang gần Hà Nội như: Văn Điển, Thanh Thước, Yên Kỳ, Vĩnh Hằng đã hết chỗ. Nguồn cung mới hiện rất ít do thủ tục và quy mô đầu tư đặc thù.
Theo ông Đính, hiện nay bất động sản nghĩa trang là thị trường ngách tiềm năng, phục vụ nhu cầu thực, chắc chắn sẽ rất phát triển trong tương lai. Đây cũng là thị trường đang được nhiều doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư "nhòm ngó".
Tại thị trường các tỉnh ven Hà Nội, danh mục các nhà đầu tư nghĩa trang tâm linh tư nhân mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà đầu tư có tiềm lực thì nhiều nhưng nhà đầu tư sẵn sàng tham gia rất ít. Khai thác nghĩa trang phải mất hàng chục năm chính vì thế các nhà đầu tư không mặn mà đến phân khúc này. Bản thân nhà đầu tư vừa là khó khăn đối với họ vừa là họ không muốn. Các tập đoàn lớn họ không tham gia xây dựng những dự án này vì là vấn đề nhạy cảm về tâm linh.
Một vấn đề nữa đối với nhà đầu tư khi thi công hạ tầng nghĩa trang chi phí cao gấp 3,4 lần so với các dự án khác. Chủ đầu tư phải san lấp kè, giằng móng, giữ chống sạt lở, khai thác thì chỉ 15 - 20 m2, quỹ đất dành cho hạ tầng rất lớn. Cũng một quỹ đầu tư, một tiềm lực tài chính, khoảng thời gian đầu tư nhưng các doanh nghiệp lớn sẽ làm dự án đô thị, nghỉ dưỡng, chung cư chỉ bán trong một vài năm nhưng làm công viên nghĩa trang phải tầm nhìn 30 - 50 năm.