Bất động sản Thanh Hóa khởi sắc, cổ phiếu Xi măng Bỉm Sơn (BCC) dậy sóng, lên cao nhất trong gần 4 năm
Những thương hiệu BĐS lớn như Vingroup, FLC, Sun Group, Eurowindow, BRG, TNG,... gần như quy tụ đầy đủ về Thanh Hóa đã tạo diện mạo đô thị mới và thị trường bất động sản thực sự sôi động.
Trái với diễn biến giằng co của thị trường thời gian gần đây, cổ phiếu BCC của Xi măng Bỉm Sơn đang có nhịp bứt phá khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch 23/3, cổ phiếu BCC đóng cửa ở 11.900 đồng, tăng 59% so với cuối tháng 1 và đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 7/2017 tới nay.
Đà tăng của BCC thời gian được dẫn dắt bớt KQKD khả quan. Sau giai đoạn khó khăn những năm 2017 – 2018 do việc dư thừa công suất của ngành xi măng cũng như những vấn đề về tỷ giá ảnh hưởng tới chi phí tài chính, hoạt động kinh doanh của BCC đang khởi sắc trở lại.
Cổ phiếu BCC lên cao nhất gần 4 năm
Trong năm 2020, BCC đạt doanh thu thuần 4.299 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 145 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,4% và 17,6% so với năm trước đó. Một điểm đáng chú ý, nợ vay của BCC đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Tính tới cuối năm 2020, nợ vay ngắn hạn của BCC chỉ còn 821 tỷ đồng, giảm 435 tỷ so với đầu năm.
Theo CTCK Agriseco, nhu cầu xi măng tại Trung Quốc tăng mạnh sau dịch Covid-19 đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt nhóm khu vực phía Bắc do lợi thế chi phí vận chuyển. BCC hiện là doanh nghiệp đứng thứ 3 thị phần xi măng tại miền Trung và đứng thứ 5 sản lượng tiêu thụ cả nước, có công suất 4,5 triệu tấn clinker mỗi năm. Thị trường chính của BCC chủ yếu đến từ khu vực phía Bắc (Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Hà Tĩnh), công ty cũng thường giành 15-20% sản lượng cho thị trường xuất khẩu.
Cũng theo Agriseco, triển vọng ngành xi măng trong năm 2021 sẽ khả quan nhờ các đại dự án đầu tư công quanh khu vực được triển khai, kích thích xây dựng dân dụng hồi phục. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ được đẩy mạnh, điển hình là tuyến ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa và triển vọng ngành du lịch quanh khu vực này. Những thương hiệu BĐS lớn như Vingroup, FLC, Sun Group, Eurowindow, BRG, TNG,... gần như quy tụ đầy đủ về Thanh Hóa đã tạo diện mạo đô thị mới và thị trường bất động sản thực sự sôi động.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa – thị trường chủ lực của BCC cũng thu hút FDI khởi sắc. Mới đây, Foxconn đề xuất 150ha tại địa phương này phục vụ cho nhà máy mới hơn 1,3 tỷ USD. Trước đó, hai cái tên đáng chú ý khác cũng đặt vấn đề đầu tư vào Thanh Hóa là AVG Capital Partners (Nga) và Milennium Energy (Mỹ) với các dự án "tỷ đô" chờ đợi triển khai.
Agriseco đánh giá các dự án này mang lại sức sống mới cho địa phương, gián tiếp tạo ra động lực phát triển hạ tầng và thúc đẩy tiêu thụ xi măng trong khu vực, là triển vọng quan trọng cho Doanh nghiệp hàng đầu như BCC.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị