Ba "siêu" dự án giao thông chuẩn bị đưa vào khai thác
Sáng nay (26/12), Bộ GTVT tổ chức buổi họp báo về 3 dự án được khánh thành và đưa vào khai thác vào ngày 4/1/2015.
3 dự án không tăng tổng mức đầu tư
Mở đầu buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đây là những dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau khi khánh thành và đưa vào khai thác, các dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của cả nước nói chung và TP.Hà Nội nói riêng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong quá trình triển khai, cả ba dự án đều được thực hiện đầy đủ theo các trình tự, thủ tục của Luật Xây dựng và Luật Đấu Thầu. “Đến nay, cả ba dự án này đều đã hoàn thành theo đúng thiết kế phê duyệt và không có dự án nào vượt tổng mức tổng đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Thông tin về dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đây là một trong ba cây cầu có số nhịp văng lớn nhất thế giới, được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản. Thiết kế của cầu mang ý nghĩa rất lớn, với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, giống như 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
“Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục thi công chính của Dự án đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác. Tuy nhiên Tư vấn và Nhà thầu sẽ kiểm tra, rà soát để hoàn thiện một số hạng mục ngoài chính tuyến", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Bên cạnh đó, dự án sẽ tiếp tục được thi công một số hạng mục bổ sung như hệ thống phòng cháy cho cầu chính tại gói thầu số 1, tăng cường thêm hạng mục an toàn giao thông tại một số vị trí trên đường dẫn và trồng bổ sung cây xanh để đảm bảo hiệu quả khai thác tốt cho công trình.
Đối với dự án đường nối Nhật Tân đến sân bay quốc tế Nội Bài, trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh thêm ba hầm chui dân sinh. Sau khi được Bộ GTVT đánh giá, xem xét, đến nay, cả 3 hạng mục bổ sung này đã hoàn thành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, đây là tuyến đường được thiết kế rất hiện đại, tất hạng mục của dự án đều được quy hoạch chi tiết, cụ thể. Đến nay, các hạng mục thi công chính của Dự án đã hoàn thành và đủ điều kiện để đưa vào vận hành, khai thác. Tuy nhiên, tư vấn và nhà thầu sẽ kiểm tra, rà soát để hoàn thiện một số hạng mục ngoài chính tuyến như vỉa hè, hoàn trả hệ thống giao thông thủy lợi của địa phương, gia cố mái dốc. Bên cạnh đó, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công các hạng mục bổ sung để nâng cao tính an toàn và hiệu quả khai thác của dự án như hệ thống hàng rào, các công trình kết nối, một số nội dung tăng cường an toàn giao thông.
Dự án xây dựng nhà ga T2 được khởi công ngày 2/12/2011 do Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Công trình do Liên danh nhà thàu Taisei – Vinanconex thi công. Sau gần 3 năm triển khai thi công, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, nhà ga T2 đi vào hoạt động sẽ giải quyết được tình trạng quá tải nghiêm trọng thời gian qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục những hạn chế trong quản lý và khai thác.
Cả ô tô và xe máy qua cầu Nhật Tân: Vẫn đảm bảo an toàn
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV Báo Dân trí: “Đến thời điểm này, Bộ GTVT và TP.Hà Nội đã thống nhất tên gọi chính cho cầu Nhật Tân?”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trước đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, ông Hiroshi Fukada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam có đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt – Nhật để đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Sau khi tiếp thu ý kiến của ngài Đại sứ Nhật Bản, Bộ GTVT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sau đó, Thủ tướng đã có văn bản giao cho TP.Hà Nội thực hiện. Tại kỳ họp vừa diễn ra mới đây, HĐND TP.Hà Nội đã thống nhất lấy tên cầu là cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, để ghi lại mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, Bộ GTVT và TP.Hà Nội thống nhất dưới tên chính là cầu Nhật Tân sẽ có thêm phần tiếng Anh là "cầu Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản".
Liên quan đến câu hỏi của Báo Lao Động “Bộ GTVT đánh giá thế nào về chất lượng và mỹ thuật của cầu Nhật Tân? Việc cho phép cả ô tô và xe máy lưu thông trên cầu có đảm bảo an toàn giao thông hay không?”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, cầu Nhật Tân được thiết kế với 6 làn xe cho ô tô và 2 làn cho xe máy lưu thông. Tải trọng của cầu cho phép tất cả các loại phương tiện lớn nhất qua lại và có tính đến sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.
Trong quá trình tổ chức và triển khai thực hiện, dự án đã huy động một lực lượng rất lớn đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao của các nước Nhật Bản, Việt Nam và một số nước khác trên thế giới tham gia xây dựng. Đặc biệt, Nhật Bản đã cử những đơn vị có uy tín, công nghệ và kinh nghiệm thi công cầu dây văng tốt nhất của mình như: IHI, Sumitomo Mitsui để xây dựng công trình này. Tất cả các khâu trong quá trình triển khai xây dựng dự án cầu Nhật Tân đều được Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị của Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, thiết kế của cầu đã được các tổ chức tư vấn trên thế giới và các cơ quan chuyên môn thẩm định chặt chẽ và kỹ càng. Do đó, các phương tiện lưu thông trên cầu Nhật Tân được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Không thu phí qua cầu Nhật Tân
Tiếp đó, trả lời câu hỏi của Báo Tiền phong về khả năng thu hồi vốn của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu sử dụng vốn vay ODA, đây cũng chính là tiền ngân sách nhà nước đầu tư nên không đặt vấn đề thu phí để hoàn vốn”.
Những hành khách đầu tiên làm thủ tục check in tại nhà ga hành khách T2 |
Liên quan tới dự án nhà ga hành khách T2, Báo Vnexpress đặt câu hỏi: “Phương án quản lý dịch vụ của nhà ga này được thực hiện thế nào? ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV trả lời: “Nhà ga hành khách T2 được hoàn thiện với đầy đủ các dịch vụ tiện ích để phục vụ hành khách đi tàu bay. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thành lập ủy ban hành động vì chất lượng phục vụ hành khách, tiếp nhận và xủ lý, phản hồi thông tin liên quan tới vấn đề chất lượng dịch vụ tại cảng. Đối với nhà ga T2, chúng tôi hướng vào những nhà cung cấp có uy tín và thương hiệu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng và giá cả hợp lý nhất cho hành khách”.
Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật, tương đương 13.626,365 tỷ đồng. Tổng chiều dài của dự án là 8.930m, bao gồm: Phần cầu cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 3.755,0m với bề rộng mặt cầu 33,2m, trong đó: Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1.500m, kết cấu nhịp dầm thép liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt thép trên nền móng vòng vây cọc ống thép SPSP. Phần cầu dẫn là cầu dầm hộp BTCT DƯL và cầu dầm Super - T. Phần đường dẫn có tổng chiều dài 5.170m, trong đó: đường dẫn phía Bắc có chiều rộng 70-100m, đường dẫn phía Nam có bề rộng 64m. Dự án có ba nút giao, trong đó nút giao Vĩnh Ngọc là nút giao hoa thị hoàn chỉnh giữa tuyến cầu Nhật Tân và đường QL5 kéo dài. Dự án đường nối Nhật Tân – Nội Bài có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1 km. Phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế V=80Km/h. Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô V=40Km/h Dự án nhà ga hành khách T2 Nội Bài có diện tích 139.216m2 gồm 4 tầng, công suất công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015-2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020-2030). |
>>>Loạt dự án hạ tầng quan trọng sẽ được hoàn thành cuối năm 2014
Theo Đình Quang