BĐS tăng tốc, doanh nghiệp địa ốc chuẩn bị kế hoạch cho những cuộc chơi lớn
Đã hết thời doanh nghiệp BĐS ngồi chờ thời hay “đón gió” xu hướng thị trường như trước, các doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp hiện nay đang bước vào tâm thế kinh doanh mới. Nhiều kế hoạch, chiến lược kinh doanh đang được các doanh nghiệp xây dựng bài bản, dài hơi cho một cuộc chơi lớn đang bắt đầu.
- 16-02-2016Ngân hàng thắt chặt tín dụng, chuyên gia khuyên doanh nghiệp BĐS điều gì?
- 08-11-2015Cuộc đua giành thị phần của các doanh nghiệp BĐS cuối năm
- 13-10-2015Doanh nghiệp BĐS ồ ạt "khai sinh", cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Mới đây, khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bất động sản về triển vọng kinh doanh trong năm 2016 cho thấy tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều lạc quan với triển vọng thị trường, đặc biệt là trong năm 2016 này. Theo Vietnam Report , 83% các doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng mạnh năm 2016, và 17% còn lại dự đoán doanh thu sẽ tăng đôi chút.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang hết sức lạc quan và tin tưởng về thị trường. Đây cũng là nguyên nhân mà gần đây các ông lớn BĐS ồ ạt công bố chiến lược đầu tư và đặt ra những kế hoạch dài hơi để bước vào cuộc cạnh tranh mới.
Có thể kể đến như CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) gần đây đã đưa ra kế hoạch kinh doanh mới. Sau khi thành công với các dự án đất nền khu đô thị, Phuc Khang Corporation đang từng bước thâm nhập vào lĩnh vực đầu tư dự án căn hộ xanh. Khởi đầu trong phân khúc này, Phuc Khang Corporation đang đầu tư Dự án Diamond Lotus tại quận 8, TP. HCM. Và sự khởi đầu này có vẻ đã có thành công khi mới đây, Quỹ đầu tư Genesis Global Capital cam kết mua 30% sản phẩm tại chuỗi căn hộ này.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng là một cái tên đáng chú ý trên thị trường BĐS TPHCM khi đang ấp ủ kế hoạch kinh doanh lớn với chiến lược riêng biệt. Thời gian qua, Hưng Thịnh đã âm thầm mua lại được khá nhiều dự án tăng quỹ đất của công ty lên khoảng 10 ha quỹ đất phát triển căn hộ và gần 10 ha quỹ đất phát triển các dự án đất nền. Hưng Thịnh cho biết, các dự án này sẽ lần lượt được công bố ra thị trường trong thời gian tới.
Một ông lớn BĐS khác là CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) mới đây cũng đã công bố ra thị trường những chiến lược kinh doanh mới đầy tham vọng. Trong năm 2016, Sacomreal đang tập trung vào chiến lược phát triển 3 dòng sản phẩm chiến lược hướng tới các đối tượng khách hàng cụ thể. Đó là các dòng sản phẩm Carillon (Trung cấp), Jamona (Phức hợp), Charmington (Cao cấp) với tổng quỹ đất lên tới 532.607 m2.
Trong kế hoạch dài hạn hơn (2016-2020), Sacomreal đặt mục tiêu tham vọng tăng tổng tài sản tăng từ 5.101 tỷ đồng lên 6.980 tỷ đồng, vốn điều lệ từ 2.171 tỷ đồng lên 3.043 và vốn chủ sở hữu từ 2.952 lên 3.773 vào năm 2020. Được biết, doanh nghiệp này cũng vừa công bố 20 nhà đầu tư chiến lược thuộc nhiều lĩnh vực từ khâu phát triển quỹ đất, hỗ trợ vốn, thiết kế, thi công, giám sát xây dựng đến cung ứng nguyên vật liệu cho Sacomreal trong suốt quá trình phát triển dự án và tìm nguồn ra.
Một doanh nghiệp cũng có bước thay đổi khá rõ nét trong thời gian qua là Him Lam Land. Trong năm 2015, doanh nghiệp này đã tiêu thụ gần 2.000 căn hộ cao cấp mức giá trên dưới 2 tỷ/căn, thuộc 2 dự án Him Lam Riverside và Him Lam Chợ Lớn. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường đang có xu hướng tăng cung căn hộ mức giá cao, doanh nghiệp này đã chuyển hướng sang mô hình căn hộ bình dân với mức giá từ 1 - 1,5 tỷ đồng/căn. Dự kiến, trong năm nay Him Lam sẽ tung ra hàng nghìn căn hộ thuộc phân khúc bình dân.
Cùng với những doanh nghiệp kể trên, nhiều doanh nghiệp khác đã tạo dựng được vị thế của mình thời gian qua và có chiến lược kinh doanh bài bản, như Him Lam, Novaland, Đại Quang Minh...
Theo phân tích của giới chuyên môn, dù thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, song thực tế vẫn đang trong giai đoạn sàng rất lớn. “Sân chơi” thời gian qua và ngay cả sắp tới cũng chỉ dành cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp, biết nắm bắt cơ hội, tạo dựng được uy tín và có sản phẩm tốt, còn các doanh nghiệp lôm côm vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.