Bí thư Thăng chỉ đạo "đuổi cổ" thay nhà đầu tư khác, chủ dự án bệnh viện có lý do gì?
Nhiều dự án bệnh viện tại Tp.HCM đã được phép đầu tư xây dựng trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy về chăm sóc sức khỏe nhân dân và lãng phí ngân sách.
- 13-03-2016Bệnh viện trăm tỷ bỏ hoang giữa đồng không mông quạnh
- 06-03-2016Bí thư Đinh La Thăng: Đuổi cổ và thay ngay nhà thầu dự án bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM
- 03-03-2016Bí ẩn những bệnh viện Sài Gòn, Hà Nội xây mãi không xong
- 26-02-2016Xây tổ hợp bệnh viện hiện đại, 600 giường ở phía Tây Thủ đô
Năm 2012, UBND TP.HCM đã 2 đợt giao kế hoạch đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM lên tới 38 dự án. Trong đó có những dự án đã kéo dài nhiều năm mặc dù vốn đã được giao.
Điển hình nhất phải kể đến là một số dự án trọng điểm bệnh viện cửa ngõ thành phố nhằm giúp giảm tải đã được lãnh đạo thành phố yêu cầu xúc tiến khởi công trong năm 2010 - 2012 nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy về chăm sóc sức khỏe nhân dân và lãng phí ngân sách.
Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đã có buổi thăm công trình xây dựng Bệnh viện Nhi đồng mới; kiểm tra tình hình khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận Bình Tân; Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa A; khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố.
Liên quan việc xây dựng bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình mới và đáng lẽ đã hoàn thành nhưng hiện nay công ty đầu tư xây dựng vẫn chưa bàn giao mặt bằng do vướng mắc nhiều vấn đề. Bí thư Thăng lập tức bày tỏ: “Thế thì đuổi ngay ông đó mời ông khác vào chứ. Chiều anh báo cáo với tôi. Thay ngay nhà đầu tư khác. Làm gì có chuyện đó”.
Bày tỏ về chỉ đạo này của bí thư Đinh La Thăng, trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Phạm Ngọc Lâm – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đền Bù Giải Tỏa (thuộc Tập đoàn Đức Khải), từ năm 2010, công ty đã trình phương án xin đầu tư xây dựng bệnh viện chấn thương chỉnh hình mới tại khu 6A đô thị Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với diện tích đất xây dựng là 3 hécta, tổng số vốn đầu tư khoảng 1.132 tỉ đồng.
"Chúng tôi đã trích kinh phí từ nguồn vốn tự có, đến nay đã hơn 60 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường giải tỏa cho hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng. Đối với phần đền bù giải tỏa thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đã chuyển khoản tiền đền bù", ông Lâm cho biết thêm.
Giải thích về chuyện vì sao dự án đến nay vẫn không được triển khai đúng theo các cam kết đề ra, dẫn đến việc tân Bí thư Đinh La Thăng phải chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét không cho đầu tư nữa, ông Lâm cho biết ban đầu nhà đầu tư đề xuất được đổi lại khu đất của bệnh viện chấn thương chỉnh hình hiện hữu. Tuy nhiên, về sau với nhiều lý do khác nhau, thành phố đã không chấp thuận giao khu đất này cho nhà đầu tư nữa, trong khi dự án bệnh viện mới vẫn được triển khai theo từng giai đoạn.
Như vậy, ông Lâm khẳng định rằng thời gian qua nhà đầu tư giống như đứng ở ngã ba đường, bởi vì các thỏa thuận đầu tư dự án theo hình thức BT vẫn chưa được giải quyết, trong khi tiền đã bỏ vào dự án hiện nay không nhỏ.
"Một nguyên nhân khác là chuyện đền bù giải tỏa với người dân cũng khá nhiêu khê vì chưa thỏa thuận được mức giá, nhưng nói rằng Bí thư đòi đuổi chúng tôi khỏi dự án thì hơi quá! Chúng tôi sắp tới sẽ có một cuộc họp với các sở ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc này", ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, Bệnh viện mới sẽ được xây dựng với quy mô 500 gường bệnh (so với quy mô 400 gường bệnh của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM hiện nay).
Theo hợp đồng, Tổng công ty Cổ Phần Đền bù giải tỏa sẽ ứng toàn bộ vốn để thực hiện công trình, kể cả chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng. Sau khi nghiệm thu dự án, bàn giao cho UBND TP.HCM, nhà thầu sẽ được UBND TP.HCM bán chỉ định theo giá thị trường toàn bộ khu đất hiện hữu của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (đường Trần Hưng Đạo, Q5) để đầu tư khai thác kinh doanh và thu hồi vốn.
"Việc giao lại cơ sở này sẽ được nhà nước định giá theo giá thị trường và bàn giao cho tập đoàn Đức Khải. Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp căn hộ - trung tâm thương mại tại đây", ông Lâm nói.
"Ngày 26/4/2012, UBND TP.HCM đã ký tắt với nhà đầu tư một hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị xây Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới. Tiếp sau đó, Thành phố đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án Bệnh viện chấn thương Chỉnh hình theo hình thức BT. Dự án dự kiến khởi công vào 2010 và hoàn thành năm 2012, tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn vướng mắc như trên nên đến nay dự án vẫn không thể triển khai được." ông Lâm nói